Bộ Xây dựng: Bong bóng BĐS chưa vỡ Bộ Xây dựng: Bong bóng BĐS chưa vỡ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng bác bỏ thông tin cho
rằng bộ đang xin nới lỏng tín dụng bất động sản, còn thứ trưởng Bộ Kế
hoạch Đầu tư cho biết sẽ từ chối đề xuất xin thêm 8.600 tỷ đồng đầu tư
của Bộ Giao thông Vận Tải.
Buổi họp báo Chính phủ chiều 1/7 có sự tham dự của 3 bộ trưởng và 7 thứ
trưởng đã một lần nữa nhấn mạnh thông điệp kiên trì thực hiện Nghị quyết
11, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tín dụng bất động sản,
cắt giảm đầu tư công và phương án thuế thu nhập cá nhân là 3 vấn đề nóng
nhất được đề cập đến.
Bộ Xây dựng không xin nới lỏng tín dụng BĐS
* Vừa qua, Bộ Xây dựng kiến nghị nên nới lỏng tín dụng cho bất động sản? Vậy Chính phủ có ý kiến gì về việc này?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Chúng tôi có gửi văn bản đánh
giá về tình hình thị trường bất động sản tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà
nước với mục đích kiến nghị làm cho thị trường này phát triển lành mạnh,
góp phần vào mục tiêu chống lạm phát. Song, trong 2 văn bản này, chúng
tôi không có chữ nào thể hiện là đề nghị nới lỏng tín dụng thị trường
bất động sản.
Báo chí có lo lắng, đưa ra nhận định về khả năng đổ vỡ, sụp đổ bong bóng
bất động sản. Trong báo cáo Chính phủ, chúng tôi đã phân tích đánh giá
thị trường này đầy đủ trên nhiều mặt. Tổng lượng xây dựng lên để bán so
với lượng nhà ở dự kiến được xây dựng chỉ là 30%, 70% còn lại là người
dân tự xây để ở. Như vậy, quy mô bất động sản tham gia giao dịch thị
trường là thấp.
Vừa qua, giá bất động sản có suy giảm. Nhưng qua khảo sát, giá bất động
sản ở cuối tháng 5/2011 còn đang cao hơn giá hồi tháng 1/2010 và vẫn còn
cao hơn giá thành tạo lập nên bất động sản. Do đó, tuy có xu hướng
giảm giá nhưng giá trị bất động sản nằm trong giới hạn an toàn, doanh
nghiệp bất động sản vẫn có khả năng thanh toán, chi trả.
Từ đó, chúng tôi rút ra kết luận quan trọng nhất là, không có khả năng
vỡ bong bóng bất động sản, nếu có chỉ chỉ là "xì hơi" một chút. Trong
bối cảnh cắt giảm đầu tư, đương nhiên bất động sản cũng khó khăn như các
ngành khác, như nông nghiệp, sản xuất, đời sống nhân dân. Bất động sản
cũng không nằm ngoài "cái đau" chung của nhiều ngành khi phải chịu tác
động của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trên thực tế, Bộ Xây dựng chỉ đề nghị 3 điều: một là không coi bất động
sản là lĩnh vực phi sản xuất, có thể đặt ngang hàng như phi sản xuất,
bất động sản, tín dụng... Nhưng bất động sản vẫn là đối tượng phải kiểm
soát vay tín dụng.
Thứ 2 là đề xuất kiểm soát chặt chẽ dòng tiền cho vay vào đền bù giải
phóng mặt bằng, không cho vay vào dự án bất động sản cao cấp, đang có xu
hướng bão hòa, không phục vụ cho đại bộ phận người dân. Ngân hàng cần
chuyển sang chủ yếu cho vay dự án nhà ở có qui mô nhỏ, giá trung bình và
trung bình thấp, nhà cho người có thu nhập thấp và một số dự án đang ở
mức sắp hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Thứ 3, ngân hàng nên cho vay những gia đình có nhu cầu mua thật, có thu
nhập thật, có công việc thật, cũng là để tăng tính thanh khoản, đảm bảo
thị trường bất động sản không bị sốt nóng mà cũng không bị đóng băng đột
ngột.
Khước từ những đề nghị xin tăng vốn đầu tư công
* Mới đây, Bộ GTVT ngỏ ý xin thêm 8.600 tỷ đồng để thực hiện một
số dự án mà bộ này cho là cấp bách, quan điểm của bộ KHĐT và Chính phủ
về kiến nghị này như thế nào?
Thứ trưởng bộ KHĐT Cao Viết Sinh: Qua 6 tháng, đầu tư chung của xã hội
đã giảm rất nhiều so với đầu tư năm ngoái. Năm ngoái đầu tư công chiếm
41% trong đầu tư toàn xã hội, 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 33,4% trong
tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tức vốn đầu tư công đã giảm rất mạnh.
Bộ GTVT có kiến nghị cấp thêm 6000-7000 tỷ đồng cho một số dự án. Về
việc này, chúng tôi cho rằng, Bộ GTVT cần phải kiên trì với chủ trương
giảm đầu tư công. Tôi đề nghị Bộ GTVT xem lại nguồn vốn trái phiếu chính
phủ của mình, xem lại các dự án đã thực sự cấp bách chưa. Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|