Bất động sản u ám vì tiền sử dụng đất
Nghị
định (NĐ) 120 về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) có hiệu lực từ 1.3.2011, dù
vậy đến giờ vẫn chưa tìm thấy lối ra cho những vướng mắc về cách tính
tiền SDĐ sát giá thị trường theo quy định vốn đã khiến doanh nghiệp (DN)
bất động sản (BĐS) than trời suốt từ năm 2009.
Việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường sẽ góp phần đẩy giá bất động sản lên cao - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tình hình này càng làm bức tranh BĐS thêm u ám, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng phi sản xuất như hiện nay.
Về
cơ bản, NĐ 120 không khác NĐ 69 (có hiệu lực tháng 10.2009) khi tiếp
tục xoay quanh khái niệm vốn gây tranh cãi thời gian qua là "tiền SDĐ
sát giá thị trường". Cụ thể, giá đất tính thu tiền SDĐ là giá đất do
UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá quy định chưa sát với giá chuyển
nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì
UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị
trường để quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp.
Đình trệ hàng loạt dự án
Tại
TP.HCM, trước đây, việc đóng tiền SDĐ căn cứ trên bảng giá đất do UBND
TP ban hành hằng năm, thường thấp hơn so với giá thị trường. Cho nên,
với quy định mới yêu cầu đóng tiền SDĐ sát giá thị trường đã phát sinh
hàng loạt vướng mắc khiến các dự án (DA) BĐS đình trệ.
Tiêu biểu
như DA của Công ty phát triển nhà Bình Dân (TP.HCM) phục vụ tái định cư
DA kênh Ba Bò. Công ty đầu tư vào 14.000m2 đất ruộng, ra được sản phẩm
gồm 5.000 - 7.000m2 đất ở, thế nhưng khi thẩm định giá để nộp tiền SDĐ
thì lên đến 57 tỉ đồng. Trong khi đó, kế hoạch của công ty là nếu bán
hết DA cũng chỉ được tối đa 60 tỉ đồng, sau khi trừ đi chi phí đầu tư
thì không đủ đóng tiền SDĐ. Chính bởi mức tiền SDĐ "trên trời" này mà DA
của Bình Dân bị ách tắc từ năm 2009 đến nay.
Tương tự, ông
Nguyễn Cảnh Hà - Giám đốc Công ty địa ốc An Thiên Lý, cho biết: "Tôi
định làm DA phân lô bán nền, thỏa thuận mua đất của dân với giá 4 triệu
đồng/m2 và dự định bán 4,5 triệu đồng/m2. Song khi đóng tiền SDĐ thì cơ
quan thuế đòi thu đến 4,5 triệu/m2, bằng với giá dự định bán ra, nên tôi
chào thua". Một DA nhà ở của Công ty địa ốc Đất Xanh ở Gò Vấp cũng gặp
trục trặc vì chưa thể xác định được tiền SDĐ là bao nhiêu để đưa vào giá
thành...
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN -
MT), hiện TP.HCM có khoảng 46 DA nhà ở đã hoàn thành thủ tục giao đất
nhưng chưa nộp được tiền SDĐ do chờ xác định theo giá thị trường. Quy
trình để xác định giá đất theo giá thị trường để tính tiền SDĐ cho DN
hiện nay quá phức tạp: DN phải thuê tư vấn xác định, sau đó trình Sở Tài
chính thẩm định lại, tiếp theo Sở Tài chính sẽ trình UBND TP xem xét.
Nếu UBND TP đồng ý thì DN mới có cơ sở đóng tiền. Chưa nói đến việc tiền
SDĐ cao hay thấp, chỉ riêng quy trình kể trên đã ngốn mất của DN ít
nhất 6 tháng.
Quy định mơ hồ
Quy định thu
tiền SDĐ sát giá thị trường tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất, thế nào là
“sát giá thị trường”, “sát” là “sát” đến đâu khi bản thân “giá thị
trường” luôn thay đổi? Việc đưa những thứ khó xác định và luôn biến động
để làm chuẩn xác định tiền SDĐ thì các cơ quan thực thi cũng bó tay.
Tại
hội nghị tổng kết về thi hành Luật Đất đai hồi tháng 3 vừa qua, ông Đào
Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thẳng thắn nhìn nhận, việc quy
định giá đất "sát giá thị trường” đang vấp phải nhiều vướng mắc do thiếu
thông tin về giao dịch nhà đất trên thị trường, cũng như tiêu chí để
xác định thế nào là "trong điều kiện bình thường".
Quy định tính
giá đất để thu tiền SDĐ không theo bảng giá đất mà phải xác định theo
giá thị trường đối với từng DA là một việc rất phức tạp, mất nhiều thời
gian và tiền bạc của nhà nước cũng như người SDĐ (phải thuê đơn vị có
chức năng thẩm định giá để lập chứng thư về giá đất).
Chưa kể,
theo ông Nguyễn Cảnh Hà, thẩm định của các tổ chức tư vấn về giá đất
chính xác và trung thực tới đâu cũng là một vấn đề. Trên thực tế hoàn
toàn có thể có chuyện khi thẩm định, nếu DN “lo” được thì sẽ được định
giá thấp có lợi, nếu DN không biết "lo" thì cũng vị trí như thế nhưng
giá cao, đóng tiền cao. Trong khi trình độ quản lý chưa tốt thì có thể
nảy sinh tiêu cực, không thống nhất và thiếu công bằng.
Một vấn
đề đáng lo ngại khác, theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Vinaland,
là tiền SDĐ dù cao hay thấp thì cuối cùng cũng quy vào giá thành và
người dân phải chịu. Mức tiền SDĐ mới sẽ vô tình đẩy giá BĐS lên cao,
trong khi mục đích của các chính sách đất đai hiện nay là phải kéo giá
BĐS xuống thấp. "Chúng ta đang muốn khuyến khích phân khúc nhà giá thấp,
song với cách thu này thì tỷ trọng giá đất trong giá thành căn hộ rất
cao, nên DN không xây nhà giá thấp nữa vì không có lợi nhuận", ông Hoàng
nói.
Để tránh tiêu cực, nhiều DN đề nghị nên ban hành bảng giá
đất sát giá thị trường và không nhất thiết ban hành hằng năm mà có thể 2
- 3 năm/lần, trong khoảng thời gian đó, nhà nước có thể điều chỉnh giá
đất tại những nơi có biến động lớn. Trên cơ sở đó, có 2 cách thu tiền
SDĐ: Một là, ấn định một mức thu tiền SDĐ cố định từ 10 - 20% giá đất để
DN chủ động tính đầu vào, đầu ra. Hai là, thu 100% giá thị trường và
khấu trừ tiền đền bù giải tỏa theo giá thực tế DN đã bỏ ra.
Đất ở của dân cũng bị ách tắc
Theo
NĐ 120, đối với trường hợp đất ở của dân, phần đất trong hạn mức thu
theo bảng giá đất của nhà nước, còn phần đất ngoài hạn mức tính tiền SDĐ
theo giá thị trường. Tại TP.HCM, các quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8,
10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp) có hạn mức không quá
160m2; các quận mới 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và thị trấn (huyện Bình Chánh,
Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè) không quá 200m2; khu quy hoạch phát triển đô
thị không quá 250m2; H.Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn không quá
300m2.
Ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho
biết hiện TP có trên 2.000 hồ sơ của người dân bị ách tắc do có diện
tích vượt hạn mức trong khi cơ quan thuế vẫn chưa có hướng dẫn cách xác
định giá thị trường. "Nhiều hồ sơ chỉ vượt hạn mức vài m2 nhưng cũng
phải ách lại chờ hướng dẫn. Cơ quan thuế đã kêu vấn đề này từ năm 2009
đến nay. Vấn đề không hẳn nằm ở chỗ cơ quan thuế thu được bao nhiêu tiền
mà quan trọng là cần giải quyết sớm để giải tỏa vướng mắc để người dân
có thể giao dịch", ông Tấn nói.
Bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc
Sở Tài chính TP.HCM, cho biết Sở đang dự thảo về cách tính tiền SDĐ đối
với đất ngoài hạn mức, trong đó dự kiến phần ngoài hạn mức sẽ được tính
giá gấp 3 - 4 lần bảng giá đất, tùy từng quận, huyện. Hiện dự thảo này
đang được lấy ý kiến các sở ngành, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng hệ số
điều chỉnh này quá cao sẽ gây khó khăn cho người dân. (T.Xuân)
Đầu tuần tới ban hành thông tư
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 29.6, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết:
“Cuối
tuần qua tôi cùng đã làm việc với Cục Công sản và một số đơn vị chức
năng khác, vấn đề khó khăn nhất hiện nay gây bức xúc dư luận chính là
cách tính tiền SDĐ đối với diện tích vượt hạn mức. Theo quy định hiện
nay, phần diện tích đất nằm trong hạn mức sẽ thu theo giá do UBND tỉnh,
thành công bố hằng năm, đối với phần diện tích đất vượt hạn mức phải
tính theo giá thị trường.
Theo phản ánh của cục thuế các địa
phương, chưa biết tính giá thị trường như thế nào, nên sắp tới thông tư
hướng dẫn của Bộ sẽ theo hướng tính phần diện tích vượt hạn mức theo giá
trị dự án (DA), mảnh đất đó.
Ví dụ, tại TP.HCM, đối với các
miếng đất có giá trị dưới 10 tỉ đồng (căn cứ trên mức giá UBND tỉnh quy
định), mà có phần diện tích đất vượt hạn mức phải điều tiết theo giá thị
trường sẽ không cần phải thuê đơn vị thẩm định giá (TĐG), không phải
định giá theo hội đồng TĐG nữa mà giao cho Chủ tịch UBND TP quyết định
theo hệ số từng khu vực. Đối với các tỉnh, thành khác giá đất thấp hơn
có thể quy định ở mức 5 tỉ đồng.
Hướng trên theo tôi là phù hợp
trong tình hình hiện nay, vì đối với những miếng đất bé, có giá trị
không lớn sẽ không cần phải TĐG. Thực tế, hộ gia đình và cá nhân giả sử
có mảnh đất cần chuyển nhượng vượt hạn mức 2-3 lần, quy ra giá đất TP
quy định cũng khó có thể vượt qua 10 tỉ đồng được.
Còn lại, đối
với DA có giá trị đất vượt trên 5 tỉ đồng hay 10 tỉ đồng vẫn phải chịu
điều tiết theo giá thị trường, thông qua các đơn vị TĐG và hội đồng TĐG.
Về cơ bản những ý kiến trên đã được chấp thuận và đưa vào dự thảo thông
tư, chúng tôi đã hoàn tất thủ tục hành chính và chờ bộ trưởng ký ban
hành vào đầu tuần tới”. (Anh Vũ (ghi)
TS Hoàng Xuân Nghĩa - Phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên
cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội): Khó xác định theo giá thị trường
Thị
trường BĐS VN đang bị méo mó, đầu cơ, giá bị đẩy lên quá cao và nhiều
khi đó không phải là giá thị trường mà chính xác phải gọi là giá đầu cơ.
Không ai biết được giá thật của BĐS, người nói cao, kẻ nói thấp nên
việc định giá hiện cũng giống như câu chuyện "thầy bói xem voi". Chúng
ta chưa có một hệ thống thu thập thông tin giá cả BĐS rộng khắp và kịp
thời. Bên cạnh đó, thị trường nóng - lạnh bất thường, sau vài ngày giá
có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi nên khó mà đưa ra khoảng thời gian giao
dịch để làm căn cứ. Về lâu dài, cần xây dựng những cơ quan định giá độc
lập và đáng tin cậy thì mới có đủ cơ sở dữ liệu để thu tiền SDĐ sát giá
thị trường. (Bùi Trần)
Ông Lê Thanh Khuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT): Không thể định giá chính xác tuyệt đối
NĐ
123/2007 đã đề ra những phương pháp xác định giá đất và khung giá các
loại đất. Tuy nhiên, đây là những phương pháp định giá trong điều kiện
bình thường, trong khi thực tế thị trường BĐS nước ta biến động liên tục
nên cũng gây khó khăn nhất định. Chúng ta phải có hệ thống theo dõi thị
trường, thường xuyên cập nhật mức giá chuyển nhượng thực tế để xây dựng
cơ sở dữ liệu chính thức, từ đó định mức thu tiền SDĐ sát với thị
trường nhất, tất nhiên không thể có con số chính xác tuyệt đối. (Bùi Trần)
3 kịch bản cho thị trường bất động sản
Hôm
qua 29.6, tại hội thảo Chính sách tài chính cho thị trường BĐS, ông
Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây
dựng) nhận định, việc siết chặt tín dụng đối với BĐS đã khiến thị trường
trầm lắng, giá giảm, giao dịch đứng. Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên
cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong ngắn hạn, sẽ có 3 kịch bản của
thị trường BĐS, tương ứng với các điều kiện giả định.
Cụ thể,
kịch bản thứ nhất, nếu chính sách không có gì thay đổi, tình hình kinh
tế trong nước và thế giới không có biến động lớn, thị trường sẽ suy yếu
dần và không có cơ hội phục hồi vì không được tiếp thêm nguồn vốn trong
khi lãi vay ngân hàng quá lớn.
Kịch bản thứ hai, giả định rằng,
chính sách không thay đổi (duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tiếp
tục cắt giảm đầu tư công), lạm phát tiếp tục ở mức cao (trên 15%), thị
trường BĐS sẽ lâm vào tình trạng đóng băng, các DA BĐS sẽ đình trệ, các
DN BĐS sẽ rơi vào tình trạng khó khăn toàn diện, các nhà đầu tư thứ cấp
phải thanh lý các DA đầu tư, thậm chí có DN, DA, nhà đầu tư bị phá sản.
Kịch
bản thứ 3 tương đối tươi sáng nhưng khó xảy ra là chính sách tiền tệ
được nới lỏng, văn bản pháp quy về thị trường thế chấp thứ cấp được ban
hành, Quỹ đầu tư BĐS ra đời, văn bản pháp lý về quỹ tiết kiệm tương hỗ
BĐS được ban hành, thị trường sẽ có những xung lực mới, tuy không bùng
phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm nay.
|