"Cứu" bất động sản: Làm "mặt lạnh" với lời kêu cứu vô lý "Cứu" bất động sản: Làm "mặt lạnh" với lời kêu cứu vô lý
29/06/2011 09:10
Lạm phát mới có dấu hiệu giảm tốc đã có những ý kiến và cả đề xuất về
việc điều chỉnh các chính sách để cứu DN và hỗ trợ tăng trưởng. Bộ Xây
dựng vừa đề xuất nới lỏng tín dụng BĐS. Nhưng các chuyên gia cảnh báoo,
không thể dễ dãi và phân tâm trước nhưng lời “kêu xin” thiếu cơ sở.
Làm khó
Cách đây hơn một tháng, khi chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu tác
động mạnh mẽ tới các hoạt động của nền kinh tế thì đã có những tiếng kêu
ca khó khăn do lãi suất cao, hạn chế nguồn vốn gây ảnh hưởng tới các
DN. Chính vì thế, không chỉ các hiệp hội đại diện cho các nhóm DN khác
nhau lên tiếng kêu ca và đề xuất hỗ trợ để ổn định sản xuất, lãnh đạo
của Hiệp hội ngân hàng vốn được coi là "người trong cuộc" để thực thi
chính sách tiền tệ cũng lên tiếng cho rằng: không nên thắt chặt chính
sách tiền tệ thêm vì có thể sẽ gây ra những khó khăn cho DN và nền kinh
tế.
Tuy nhiên, những ý kiến đó trở nên lạc lõng khi việc thắt chặt các chính
sách thắt chặt đang được thực thi một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến cuối
tháng 5 và tháng 6, khi dấu hiệu giảm tốc độ gia tăng của lạm phát đã
thấy rõ thì những "kêu ca" này lại có dịp rộ lên. Thậm chí, một chuyên
gia lo ngại, việc kêu ca này không chỉ có các đại diện cho khối DN, tư
nhân mà còn có những người trong bộ máy điều hành tỏ ra sốt sắng về việc
giảm lãi suất để hỗ trợ DN.
Trao đổi mới đây với báo chí, địa diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã bày tỏ
hy vọng, CPI giảm là một xu hướng tốt, chặn đứng đà tăng giá kéo dài
liên tiếp trong 8 tháng qua, sẽ mang lại những tác động tích cực tới sản
xuất, kinh doanh. Đại diện cho các DN cũng cho rằng, vấn đề đáng lo
ngại của nền kinh tế là lãi suất ngân hàng thời gian qua ở mức cao khiến
doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh
doanh gặp rất nhiều khó khăn, tạo nên nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Kêu ca của khối DN có vẻ đang được chú ý hơn khi họ dẫn lại lo ngại của
Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, cùng với lạm phát và nhập siêu, lãi suất là
một vấn đề đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam, ít nhất là trong 6 tháng
tới, đe dọa tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có lẽ vì
thế, đến thời điểm này, những đề xuất giảm lãi suất và hỗ trợ khối DN
dường như đang gây nên một sức ép không đáng có cho người điều hành.
Trong khi đó, mới đây nhất, Bộ Xây dựng lại đề xuất một nhóm giải pháp
nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản. Mặc dù cơ quan này cho rằng cần giữ
nguyên, không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng những đề xuất
này cũng gây ra không ít lo ngại.
Theo một chuyên gia tài chính, đề xuất giảm tỷ trọng như vay xây dựng
khu đô thị; xây văn phòng cho thuê, xây dựng để chuyển nhượng trung tâm
thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng sửa chữa, mua nhà để bán; vay
mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự
án mới... được cho là hợp lý. Tuy nhiên, tăng tỷ trọng vay mua nhà để ở
hay giữ nguyên để tiếp tục bơm vốn cho các vay xây dựng - kinh doanh
trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở
hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm,
bán và thu hồi vốn đầu tư... lại không ổn khi cố gắng cứu các DN đang
"sắp chết". Việc này có thể tạo ra cầu mới trong nền kinh tế và gây ra
những diễn biến khó lường trên thị trường, gây khó khăn cho chính sách
điều hành tiền tệ.
Đặc biệt, vị chuyên gia này tỏ ra khó hiểu khi Bộ Xây dựng đề xuất hình
thức chuyển nợ từ nhà đầu tư sang người mua nhà, bằng các ký lại kế ước
vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với
người mua nhà. Bởi vì, đây là một cách làm khó hiểu và có vẻ như để đẩy
khó khăn về phía người tiêu dùng để giảm gánh nặng cho DN và tạo cho họ
một "lý lịch" để đi vay vốn.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa mới công bố con số cắt giảm đầu
tư công cho biết các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn
đầu tư phát triển kế hoạch năm 2011 của 2.048 dự án với tổng kinh phí
5.556,4 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các bộ, ngành,
địa phương đã rà soát, cắt giảm, điều chuyển số vốn 2.777,6 tỷ đồng của
126 dự án. Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước cắt giảm 907 dự
án với tổng vốn 39.212,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng
không dấu nổi thất vọng khi cho biết, nhiều nơi có nơi còn triển khai
chậm, chưa cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ, đình hoãn triệt để các
dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Thậm chí, một chuyên gia từ bộ này lo ngại, nhiều địa phương, các tập
đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn báo cáo con số cắt giảm đầu tư công hết
sức chung chung. Phần lớn chỉ phản ánh kế hoạch cắt giảm số dự án, song
chưa nêu cụ thể số dự án cắt giảm tính đến cuối tháng 6. Điều này có thể
khiến cho việc cắt giảm đầu tư công vốn đã chậm lại càng thêm kéo dài.
Đặc biết, tại buổi giao ban mới đây, nhiều địa phương vẫn tiếp tục thể
hiện thái độ thiếu quyết liệt trong cắt giảm bằng cách xin tiếp tục các
dự án đáng lễ thuộc diện đình hoàn và xin được sử dụng nguồn vốn dôi ra
từ việc cắt giảm số dự án đầu tư để giải ngân cho một số công trình
khác.
Trước tình trạng này, chuyên gia từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã than thở,
mặc dù bộ đã có công văn nêu rõ các dự án phải cắt giảm nhưng các đia
phương vẫn tìm nhiều lý do để din tiếp tục. Thậm chí, chuyên gia này còn
bày tỏ lo ngại khi tính đến 15/6 tình trạng bội chi ngân sách vẫn khá
cao, với 30.145 tỷ đồng.
Và như thế, kế hoạch cắt giảm đầu tư, tiết kiệm chi tiêu đến thời điểm
nay vẫn chưa phát huy tác dụng. Thậm chí còn có nguy cơ lặp lại tình
trạng những năm trước nói là cắt giảm nhưng cuối cùng lại tăng cao và
thâm hụt ngân sách.
Đừng rối
Trao đổi về những đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Ngân hàng
Nhà nước cho biết chưa nhận được đề xuất chính thức từ Bộ nên chưa thể
có ý kiến nào. Tuy nhiên, quan điểm từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là dù
làm gì thì vẫn bán sát Nghị quyết 11 để kiêm quyết cắt giảm và thắt
chặt. Trước một số đề xuất về ưu tiên vốn cho một số nhóm BĐS, Ngân hàng
Nhà nước cho rằng, cần phải có sự phối hợp để rà soát và phân loại theo
tiêu chí rõ ràng rời mới có thể có quyết định được. Thị trường BĐS rất
nhạy cảm và sự chi phối của nhóm lợi ích nên phải thận trọng, không thể
vì đề xuất hay điều chỉnh mà nghĩ rằng có thể nới lỏng chính sách.
Cùng với những đề xuất về BĐS, trước những hy vọng về giảm lãi suất để
hỗ trợ DN, chính thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định sẽ
tiếp tục thắt chặt và cho rằng, chống lạm phát thì lãi suất phải cao và
điều đó có thể ảnh hưởng đến một số DN nhưng đó là điều phải chấp nhận
vì mục tiêu ổn định dài hạn.
Thậm chí, trao đổi bên lề vào sáng 28/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước
tiếp tục nêu lại quan điểm của nhiều chuyên gia đã được thống nhất tại
cuộc họp mới đây của Ủy ban kinh tế Quốc hội là những bản chất yếu kém
của nền kinh tế là lạm phát cao, hiệu quả đầu tư thấp, thâm hụt ngân
sách và mất cân đối cán cân thanh toán tổng thể. Những yếu kém này chưa
được khắc phục thì cần tiếp tục theo đuổi chủ trường mà Bộ Chính trị và
Chính phủ đã đề ra, không đặt nặng vấn đề tăng trưởng trong một vài năm
tới để tập trung ổn định vĩ mô.
Đồng tình với quan điểm này, trong một diễn đàn đối thoại với đại diện
DN và các ngân hàng, trước các lo ngại về lãi suất tăng cao, ông Trần
Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm: cần
quyết liệt ở vấn đề lãi suất chống lạm phát. Lúc này có thể "đau" nhưng
sẽ tốt cho dài hạn. Nếu nới lỏng ngay thì cung tiền lên, lạm phát trở
lại ngay, chính các doanh nghiệp sẽ phải trả giá lập tức. Trong vấn đề
lãi suất là phải quyết liệt. Nếu lạm phát giảm thì cũng phải chờ một độ
trễ chứ không nên giảm lãi suất ngay. Nếu mạnh tay thì lạm phát trong
ngắn hạn sẽ chuyển biến rất nhanh, và khi đó sẽ từng bước để có cơ chế
lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhắc lại quan điểm này, trong trao đổi mới đây, ông Thiên cho rằng, cần
tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, ông Thiên
nhấn mạnh, trong quá trình kiềm chế lạm phát, chắc chắn sẽ phải trả giá.
Lúc này, một số doanh nghiệp yếu kém hơn sẽ không chịu được. Ngoài
chính sách tiền tệ, Chính phủ phải siết mạnh đầu tư công và chi tiêu
ngân sách để dành vốn bơm ra cho doanh nghiệp.
Lạm phát đến tháng 6 đã có xu hướng giảm tốc độ tăng nhưng thực chất là
nó vẫn tăng và đang hướng đến mức rất cao. Dự báo 15% đã không còn phù
hợp và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tính chuyện nới chỉ tiêu lên 17 - 18%.
Như thế, chưa có bất cứ lý do gì để lạc quan khi lạm phát giảm tốc đề
nói chuyện nới lỏng để tăng trưởng. Bên cạnh đó những yếu kéo hệ thống
như bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn tiếp tục, không chỉ thể hiện qua lạm
phát mà đứng đằng sau đó là mức độ sử dụng vốn trong nền kinh tế (ICOR),
thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại... thì nền kinh tế vẫn đang ở
trong vòng rủi ro lớn từ nội tại của mình.
Vì thế, trong thời điểm này, dù có thể có những tiếng kêu ca nhưng không
nên vì thế mà dễ dãi, phân tâm. Chúng ta không nên quên bài học năm
2010. Khi lạm phát bắt đầu giảm, Nhà nước vừa có tín hiệu nới lỏng chính
sách tiền tệ thì ngay lập tức lạm phát trở lại. Điều đó không chỉ gây
ra hậu họa cho đến bây giờ đối với nền kinh tế mà còn làm mất niền tin
của xã hội. Bài học đó cần phải nhớ để kiên trì chính sách, thậm chí
"mặt lạnh" với những đòi hỏi ngắn hạn và lợi ích nhóm đang nhen nhóm.
|