Địa ốc Hà Nội khắc khoải chờ mở "van" tín dụng Địa ốc Hà Nội khắc khoải chờ mở "van" tín dụng
30/06/2011 14:10
Trong khi đề xuất giải cứu thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng
vẫn còn đang trên bàn nghị sự, thì các chuyên gia dự đoán, địa ốc Hà
Nội có thể được Chính phủ nới lỏng tín dụng nhờ lạm phát đang giảm dần.
Thị trường địa ốc Hà Nội trầm lắng, hàng loạt dự án đắp chiếu khiến
nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Để cứu thị trường, Thứ trưởng Bộ
Xây dựng Nguyễn Trần Nam tiết lộ, hôm nay, Bộ Xây dựng sẽ trình bày báo
chi tiết trước Chính phủ về đề xuất giải pháp khơi thông nguồn vốn cho
bất động sản. "Đề xuất có được Chính phủ thông qua hay không còn chờ kết
luận của Thủ tướng. Bộ Xây dựng hiện giờ chưa thể khẳng định bất cứ
điều gì", ông Nam khẳng định.
CPI công bố tháng 6 có thể mang lại những dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Trong khi phao cứu sinh cho thị trường bất động sản vẫn đang trên bàn
nghị sự, thì các chuyên gia địa ốc cho rằng, Hà Nội có thể đón chờ tín
hiệu vui nhờ lạm phát đang giảm dần. Theo số liệu công bố từ Tổng cục
thống kê, chỉ số CPI cả nước đang dần hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng
tháng 6 chỉ tăng 1,09% so với tháng trước, mức tăng này chỉ bằng khoảng
một nửa so với tốc độ tăng của tháng 5.
Ông Nicholas Holt, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường Công ty
Knight Frank cho rằng, mặc dù có thể hơi sớm để kết luận song chỉ số CPI
công bố vừa qua có thể mang lại những dấu hiệu tích cực cho thị trường
bất động sản. Sau thời kỳ lạm phát cao, đây là tháng có chỉ số thấp nhất
trong vòng 8 tháng qua. Chính phủ chưa có dấu hiệu nới lỏng chính sách
tiền tệ, nhưng lạm phát giảm dần đồng nghĩa với việc lãi suất có thể sẽ
bắt đầu giảm, làm dịu bớt những khủng hoảng về vốn cho chủ đầu tư và
người mua nhà. "Bình ổn giá cả là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, tín dụng
có thể nới lỏng giúp kích cầu và mang sức sống trở lại cho thị trường
địa ốc", ông Nicholas Holt chia sẻ.
Tại hội thảo Chính sách tài chính cho thị trường bất động sản tổ chức
ngày 29/6, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung
ương, cho rằng, địa ốc Hà Nội đang vấp phải mâu thuẫn gay gắt. Trong
suốt 3 năm điều chỉnh từ 2008-2010, bất động sản đang rất cần một lượng
vốn đủ lớn để phục hồi và đi lên, nhưng hệ thống ngân hàng, vì mục tiêu
chống lạm phát và ổn định kinh tế, đã thắt chặt tín dụng đổ vào địa ốc.
Điều này dẫn đến giá thị trường giảm đáng kể, giao dịch thành công không
nhiều đặc biệt là ở phân khúc chung cư đất nền.
Ông Chung phân tích, nếu tính bình quân lãi suất trên thị trường là 20%
mỗi năm và một dự án tiến hành khoảng 5 năm trong khi doanh nghiệp có
vốn tự có chỉ khoảng 20%, số còn lại phải huy động. Tất cả chi phí lãi
suất sẽ tính vào giá thành và sản phẩm sẽ phải trả thêm một chi phí rất
lớn. Do đó, trong phân kỳ trung và ngắn hạn, thị trường bất động sản Hà
Nội sẽ khó khăn và tiếp tục giảm giá.
"Nếu chính sách tín dụng được nới lỏng sau tháng 7 và quỹ đầu tư bất
động sản được ra đời thì thị trường có những xung lực mới, tuy không
bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm", ông Chung nhận định.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị
trường địa ốc đang trong tình trạng nguy kịch, do đó, đề xuất giải cứu
của Bộ Xây dựng không thể bị bác hoàn toàn. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng
hiện nay đang cao song theo ông Nga, sắp tới sẽ phải hạ nhiệt và về lâu
dài, địa ốc vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. "Nếu tiếp tục thắt chặt vốn
vay, địa ốc sẽ khó khăn kéo theo nó là hàng loạt các hệ lụy. Sự thăng
trầm của bất động sản phụ thuộc vào tín dụng nên tôi tin rằng Chính phủ
sẽ tháo gỡ một phần đó là ưu tiên mở tín dụng đối với bất động sản phi
sản xuất", ông Nga chia sẻ.
Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường nêu lên một
thực tế, siết tín dụng cho bất động sản, khiến hàng loạt dự án làm đến
17-18 tầng buộc phải dừng lại, những dự án mới chỉ làm xong nửa móng
cũng nguy cơ chết yểu vì chưa thể huy động được vốn. Nếu không được bơm
vốn, bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy cơ đắp chiếu, phá
sản.
Lãnh đạo câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, mặc dù rất khó để yêu
cầu Chính phủ đổ tiền vào bất động sản, nhất là các trường hợp phục vụ
đầu cơ, găm hàng tích vốn vì sẽ làm cho lạm phát ngày càng tăng cao. Tuy
nhiên, ông Cường đề xuất đã đến lúc Chính phủ cần phân định rõ đâu là
bất động sản phục vụ sản xuất để tránh tình trạng hàng loạt doanh nghiệp
bị "chết oan".
Kỳ vọng địa ốc sẽ được nới tín dụng, song ông Cường cho rằng, doanh
nghiệp cần đưa ra lộ trình tự cứu mình nếu đề xuất của Bộ Xây dựng bị
bác. "Quỹ tín thác, nguồn vốn trong dân cũng như sáp nhập, hợp tác đầu
tư chính là những kênh rất dồi dào và cần được khai thông để tiếp sức
cho thị trường bất động sản", ông Cường nhận định.
Tổng cục Thống kê hôm qua dự báo lạm phát có thể tiếp tục tăng cao trong
những tháng tới, khiến cả năm sẽ vượt qua mốc 16% chứ chưa giảm như kỳ
vọng. Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chính phủ
cũng đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát lên 15-17%.
|