Dự án nhà ở 'đắp chiếu' vì đói vốn
Vốn bị siết, thị trường giao dịch èo uột, hàng loạt
công trình nhà ở tại Hà Nội dở dang. Một số chủ đầu tư đã phải quyết
định dừng dự án chờ thời cơ mới.
Một số chuyên gia lo ngại, từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn nếu tín dụng không được mở. Ảnh: Hoàng Lan.
Ông Phạm Khánh, Giám đốc của một Công ty xây dựng tại
thủ đô chia sẻ, ông như ngồi trên đống lửa vì dự án đang bị chậm tiến
độ. Chạy đôn chạy đáo, nhờ cậy khắp nơi mới được ngân hàng cho vay 15 tỷ
đồng để đầu tư dự án chung cư cao cấp ở Bắc Ninh với lãi suất 28% mỗi
năm, song công trình đang có nguy cơ đắp chiếu. Theo kế hoạch kinh
doanh, mỗi tháng công ty dự kiến bán được 100 căn nhưng do thị trường đi
xuống, từ tháng 4 đến nay, công ty mới chỉ "đẩy" được 20 căn.
"Từ 150 nhân viên mỗi hạng mục, chúng tôi phải yêu cầu
nhà thầu giảm xuống còn 50. Nếu vốn bất động sản không được khơi thông,
thị trường đóng băng như hiện tại thì công trình có nguy cơ đắp chiếu
dài hơi", ông Khánh lo lắng. Không chỉ riêng ông Khánh mà nhiều nhà đầu tư tại Hà
Nội cũng đang đứng ngồi không yên vì thiếu vốn. Chủ công trình tại một
dự án trên đường Lê Văn Lương cho biết, dự án của ông cũng đang tạm dừng
vì chưa xoay được vốn. "Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu, nhân công
tăng khoảng 15%. Trước mắt, chúng tôi chỉ tạm dừng dự án trong vòng 6
tháng. Khi thị trường khá lên, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công
để bù lại", vị lãnh đạo cho hay.
Phạm Đức Toàn, Giám đốc Công ty bất động sản EZ cho
hay, chuyện dự án bị chậm tiến độ đã trở nên rất phổ biến trên thị
trường địa ốc Hà Nội. Kể từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, địa ốc bắt đầu
"ngấm đòn" thiếu vốn. Hầu hết các giao dịch trên thị trường đều chững
lại, chỉ lác đác những người có nhu cầu thực tìm mua nhà để ở. Trong khi
vốn thực có của doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm khoảng 35-40%, còn
lại là nguồn vốn huy động, nên khi ngân hàng siết cho vay thì doanh
nghiệp gặp khó khăn lớn.
Theo luật kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư được bán
20% không cần qua sàn. Ông Toàn cho hay, đến nay, thị trường gần như
đóng băng nên nguồn vốn huy động từ khách hàng cũng giảm rõ rệt. Việc
siết tín dụng chung đã vô tình đẩy những dự án đang triển khai có nguy
cơ "lửng lơ" và chỉ những đại gia có tiềm lực mạnh mới trụ lại được.
"Nhiều trường hợp đã phải tạm đóng cửa chờ thị trường khởi sắc", ông
Toàn chia sẻ.
Theo ông Toàn, khi bất động sản phát triển quá nóng,
ngân hàng buộc phải siết tín dụng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngân hàng
cũng nên mở cửa cho nhà đầu tư vay để phục vụ sản xuất như xây dựng cơ
sở hạ tầng, nhà xưởng, công trình để ở. "Cần có sự phân định rõ các
ngành và lĩnh vực để thấy rằng không phải cứ bất động sản là phi sản
xuất. Hàng loạt các công trình xây nhà để ở phục vụ cho người dân thì
không thể xếp vào lĩnh vực phi sản xuất", ông Toàn đề xuất.
Một số chuyên gia lo ngại, từ nay đến cuối năm, thị
trường bất động sản sẽ còn khó khăn nếu tín dụng không được mở. Ông Đặng
Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mỗi
khi ngân hàng siết vốn, chuyện dự án bị sang nhượng, trì hoãn, thậm chí
phải đắp chiếu là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, theo ông Võ, thách thức đối
với người này sẽ là cơ hội của nhà đầu tư khác và đây chính là thời
điểm thích hợp để thanh lọc thị trường.
Theo nghị quyết thường kỳ tháng 5,
trong tháng 6, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính chủ trì,
phối hợp với Ngân hàng Nhà nước phân tích, đánh giá và báo cáo Chính phủ
về tình hình hoạt động của thị trường bất động sản. Qua đó, các cơ quan
này đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp nhằm phát triển ổn định,
có hiệu quả thị trường nhà đất, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh
tế. Thông điệp này khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản tin rằng Ngân
hàng Nhà nước sẽ "nới tay" cho tín dụng bất động sản.
Song, ông Võ cho rằng, từ nay đến cuối năm, tín dụng
bất động sản có được mở hay không phụ thuộc vào mục tiêu kiềm chế lạm
phát cùa Chính phủ. Nhà đầu tư không nên trông chờ tín dụng của ngân
hàng mà phải tự cứu mình bằng cách liên kết với các doanh nghiệp để tìm
vốn. "Nhà nước cũng nên tháo gỡ cho doanh nghiệp bằng cách cho phép
doanh nghiệp bất động sản được thế chấp ở ngân hàng nước ngoài. Song
song với đó là Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế sử dụng đất đối với người
nước ngoài không phải là nhà đầu tư", ông Võ đề xuất.
|