Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang hưởng lợi nhờ giá dầu giảm kéo theo mặt bằng giá đầu vào thấp, trong khi giá điện "đứng yên" từ tháng 8/2013
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tại báo cáo “Kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam” vừa được Ngân hàng HSBC phát hành ngày 3/2, tổ chức này cho rằng, điều khá thú vị ở Việt Nam là sau khi chiến đấu với mức lạm phát quá cao trong năm 2011 (đỉnh điểm là mức 23% vào tháng 8/2011 so với năm trước) thì nay, lạm phát giảm lại đang trở thành một vấn đề quan tâm trong những tháng gần đây.
Trong 5 tháng qua, giá cả đã giảm bình quân 0,2% so với tháng trước. Đến tháng 1/2015, lạm phát tăng rất ít khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 1/2014 là 6,5%. Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát giảm sẽ “tốt” - vốn sẽ dẫn đến sản lượng cao hơn trong những tháng tới - hay là một biểu hiện xấu do yếu tố nhu cầu suy yếu sẽ dẫn tới một bẫy thanh khoản?
HSBC đưa ra 3 vấn đề chính để thảo luận, đó là lạm phát có khả năng chạm đáy trong tháng 1/2015; áp lực lạm phát trong những tháng gần đây là do cú sốc nguồn cung tích cực từ giá cả hàng hoá thấp hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng và sản lượng trong những tháng tới; và cho phép nhiều động thái chính sách hơn bao gồm việc tăng giá điện.
Từ tháng 7/2014 đến nay, giá dầu thô Brent sụt giảm đã kéo mọi thứ giảm xuống từ chi phí vận chuyển đến chi phí tiêu dùng ở các hộ gia đình Việt Nam. Theo HSBC, khi giá dầu Brent xoay quanh mức này trong 6 tháng tới thì cơ hội giảm thêm chi phí vận chuyển sẽ bị thu hẹp. Chính phủ cũng nhân cơ hội này để tăng giá điện và có mục tiêu tự do hoá ngành này để thu hút đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, EVN đã đề xuất tăng giá điện 9,5% trong năm 2015. Do giá điện thấp, lợi nhuận ngành điện sẽ thấp và Chính phủ sẽ nhân cơ hội này để tăng giá. HSBC cho rằng, việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong năm 2015 và 2016 nếu lạm phát vẫn duy trì sự ổn định và đồng thời, việc tăng giá điện này sẽ gây thêm áp lực lên một số loại giá.
Xuất khẩu Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá
Giá cả hàng hoá suy giảm trong thời gian qua cũng có một ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu. Theo nhận định của HSBC, một điểm yếu rõ ràng xuất phát từ những tác động định giá trong đó những hàng hoá chính yếu như dầu mỏ và than đá lại đem lại rất ít nguồn thu. Số lượng có thể cũng sẽ giảm trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm.
Tin tốt lành là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô mà tập trung vào các mặt hàng sản xuất. Ví dụ, thị phần của ngành hàng sản xuất trong tổng doanh thu xuất khẩu đã tăng từ 33% trong năm 2007 lên 48% trong năm 2014. Chính vì vậy, chi phí đầu vào thấp đã hỗ trợ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và đối trọng một vài yếu tố tiêu cực từ việc giá trị xuất khẩu hàng hoá suy giảm. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào giảm mạnh cũng đã đẩy mạnh lợi nhuận của các nhà sản xuất, cho phép họ chuyển một phần tiết kiệm cho người tiêu dùng.
Báo cáo của HSBC cũng thừa nhận rằng, Việt Nam không thể tách rời khỏi xung quanh và những sự kiện bên ngoài có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng cạnh tranh và hoạt động của đất nước.
Ví dụ, mặc dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm. Trong năm 2014, xuất khẩu đã đạt mốc 150 tỷ USD và tăng trưởng đạt mức 13,6% so với năm 2013. Tuy nhiên, đấy lại là mức giảm so với mức tăng trưởng 15,2% trong năm 2013 và 18,2% trong năm 2012.
Phần lớn sự sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá suy giảm cả về giá trị lẫn số lượng, đặc biệt là các mặt hàng dầu thô, cao su, than và gạo.
Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng giày dép (tăng 22% trong năm 2014), dệt may (16%), hải sản (18%), linh kiện điện thoại (13%) và máy tính (10%) đều tăng mạnh chủ yếu nhờ vào khả năng cạnh tranh từ chi phí nhân công giá rẻ của Việt Nam.
HSBC tin rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2015 – xuất khẩu các mặt hàng sản xuất sẽ hoạt động tốt hơn, trong khi xuất khẩu các mặt hàng dựa vào nguyên liệu thô sẽ chậm đi.
Bích Diệp