Hiện UBND TP.HCM đang xem xét việc tiếp tục trả nợ cho ngân hàng Pháp khoản tiền đã vay để xây cầu Phú Mỹ. Khoản nợ còn khoảng 1.370 tỉ đồng sẽ tiếp tục được TP thay cho chủ đầu tư trả dần đến năm 2020 với mỗi năm trả làm hai đợt (140 tỉ đồng/đợt).
Nhiều ưu ái
Cầu Phú Mỹ được xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC) làm chủ đầu tư. Theo hợp BOT, dự án cầu Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng và phương án tài chính kinh doanh kèm hợp đồng thì thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án là 26 năm.
Cầu Phú Mỹ vốn được đầu tư theo hình thức BOT, có nghĩa là chủ đầu tư (PMC) phải tự lo vốn (chủ sở hữu, vốn vay…) để đủ nguồn tiền chi phí xây cầu rồi sẽ thu phí giao thông để hoàn vốn đầu tư. Nhưng thực tế, trong cơ cấu vốn đầu tư cho dự án, nguồn vốn của PMC chỉ gần 27%, phần còn lại được PMC huy động vốn từ nhiều nguồn. Do PMC không đủ “uy tín” để vay vốn từ ngân hàng nước ngoài nên UBND TP đã ủy nhiệm cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) vay vốn của Ngân hàng SG (Pháp), dưới sự bảo lãnh của Bộ Tài chính. Khoản tiền này được HFIC cho vay lại để xây cầu Phú Mỹ và PMC cam kết sẽ trả đủ nợ trong vòng 10 năm.
Chính việc “nhận nợ” thay cho thấy TP.HCM rất thoáng đối với chủ đầu tư trong câu chuyện chọn, ưu ái với PMC để đơn vị này xây cầu Phú Mỹ. Theo TS Phạm Sanh (nguyên Tổ trưởng Tổ điều hành cầu Phú Mỹ), việc Chính phủ bảo lãnh và TP.HCM đi vay ngân hàng thương mại (thông qua HFIC) rồi mang về cho PMC thì không khác nào ở dự án này nhà đầu tư chỉ giữ vai trò “môi giới tài chính” và “quản lý thực hiện dự án thay nhà nước”, làm sai lệch về bản chất của hợp đồng BOT.
Tổng vốn đầu tư dự án cầu Phú Mỹ tăng hơn 1.000 tỉ đồng và TP.HCM phải trả nợ thay chủ đầu tư gần 2.200 tỉ đồng, dù dự án đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: MP
Đội vốn hơn 1.000 tỉ đồng và trả nợ thay
Theo UBND TP, mức tổng vốn đầu tư ban đầu là chưa kể lãi vay trong quá trình đầu tư dự án, thuế và có một số hạng mục điều chỉnh… Trên cơ sở này, PMC tiếp tục nêu ra các lý do khác, như tăng khả năng chống động đất, bổ sung chiếu sáng, cây xanh; biến động về giá nguyên vật liệu và liên tục đề nghị điều chỉnh tổng vốn. Ban đầu PMC nâng thành gần 2.400 tỉ đồng rồi lần lượt “đẩy” lên thành 3.030 tỉ đồng, 3.110 tỉ đồng, thậm chí đến hơn 3.400 tỉ đồng. Cuối cùng, tổng mức đầu tư của cầu Phú Mỹ được “chốt” ở con số gần 2.915 tỉ đồng, đội vốn lên hơn 1.000 tỉ đồng. Nhưng mức này chưa phải là cuối cùng vì chưa tính đến mức chênh lệch tỉ giá. “Giá trị chênh lệch tổng mức đầu tư này xuất phát từ việc đầu tư bổ sung nhiều hạng mục và chưa thể lường trước được hết từ ban đầu nhằm đảm bảo công trình có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả” - Sở GTVT nhận xét.
Tổng vốn đầu tư của dự án không ngừng tăng nhưng phương án thu hồi vốn cho dự án lại bế tắc đối với PMC. Mặc dù lúc đầu đã tính toán trong 11 năm đầu, nguồn thu phí sẽ không đủ khả năng trả gốc và lãi vay nhưng PMC vẫn cam kết sẽ có cách xoay đủ tiền trả nợ… Thực tế không như PMC đã “cam kết”, sau một thời gian khai thác, PMC tuyên bố không có khả năng trả nợ, buộc UBND TP phải trả nợ thay.
Theo Sở GTVT, nếu cộng cả chênh lệch tỉ giá thì tổng mức đầu tư của cầu Phú Mỹ hơn 3.170 tỉ đồng. Hiện tính luôn kỳ trả nợ vay tháng 1-2015 thì TP.HCM đã ứng gần 1.200 tỉ đồng trả nợ thay (không phải lấy từ nguồn thu phí mà lấy từ tiền được TP.HCM thanh toán trong một hợp đồng khác) và PMC chỉ hoàn trả chưa được 280 tỉ đồng. Theo UBND TP, phương án hoàn vốn đầu tư cho dự án này bằng việc thu phí, TP nhận lại dự án trước thời hạn hay chỉ định đơn vị khác mua lại đều không hiệu quả. Điều này có nghĩa là ngoài khoản PMC đang nợ khoảng 1.220 tỉ đồng (cả lãi) thì TP.HCM phải trả tiếp gần 1.370 tỉ đồng cho ngân hàng nước ngoài. “Việc UBND TP trả khoản nợ gần 2.180 tỉ đồng thay cho PMC đến năm 2020 và để PMC thu phí phần vốn chủ sở hữu, vốn vay trong nước (hơn 780 tỉ đồng) đến hết năm 2023 là cách tối ưu giải quyết việc thu phí hoàn vốn cho dự án” - UBND TP nêu.
TS Phạm Sanh, nguyên Tổ trưởng Tổ điều hành cầu Phú Mỹ: Dân gánh nợ khi chọn “nhầm” nhà đầu tư Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng hiện đại, do nhà thầu nước ngoài lập giá và lúc ấy kinh nghiệm, kiến thức của các tổ chức, cá nhân trong nước chưa đủ thẩm định. TP.HCM cũng tính đến rủi ro tăng vốn nên mới chọn hình thức đầu tư BOT. Ngoài ra, chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài theo hình thức tổng thầu, vốn vay nước ngoài, dự án thi công vượt tiến độ nên không ảnh hưởng nhiều bởi trượt giá trong nước. Do vậy, tôi cho rằng việc tăng vốn phát sinh ngoài hợp đồng sẽ không bao nhiêu và việc điều chỉnh bổ sung cũng không thể nào đến cả ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, từ đầu UBND TP đã không kiên quyết trước một số đề nghị khó hiểu của nhà đầu tư và việc chấp thuận cho PMC dùng quyền thu phí để thế chấp vay các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án khác cũng là sự dễ dãi và nhập nhằng. Hệ quả dẫn đến là TP.HCM đã “thua cuộc”, phải trả nợ thay cũng là việc dễ hiểu. Ở dự án này cho thấy năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề, đồng thời quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BT… có lỗ hổng, đã bị lợi dụng. Vấn đề hiện nay là phải chọn lựa nhà đầu tư có năng lực, có tiền thật, tiền tươi chứ không phải các nhà đầu tư “tay không” đi vay vốn, chịu áp lực nặng về lãi suất thương mại làm tăng thời gian thu phí và nhiều hệ lụy khác. |
Theo Minh Phong
Pháp Luật TPHCM