Chưa kiểm soát được hiện tượng “làm giá” của các sàn BĐS Chưa kiểm soát được hiện tượng “làm giá” của các sàn BĐS
Tại cuộc giao ban trực tuyến 63 tỉnh thành
sáng 19.7, Bộ Xây dựng đã thừa nhận, hiện tượng “làm giá”, thu chênh
lệnh, không công khai thông tin của các sàn giao dịch BĐS vẫn chưa được
kiểm soát gây dư luận không tốt trong xã hội.
Cả nước có 913 sàn giao dịch BĐS.
|
Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 913 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt
động. Các sàn giao dịch BĐS đi vào hoạt động đem lại diện mạo mới cho
thị trường này, tác động vào ý thức người dân để thay đổi dần tập quán
giao dịch cũ. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận, hiện tượng “làm giá”,
thu chênh lệnh, không công khai thông tin của các sàn giao dịch BĐS vẫn
chưa được kiểm soát gây dư luận không tốt trong xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sự
giảm giá và trầm lắng về giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường,
đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp, đất nền và văn phòng cho thuê.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do ngân hàng thực hiện chủ
trương không tăng tỷ trọng tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất, trong
đó có tín dụng BĐS.
Cùng với đó, là do cơ cấu BĐS nhà ở chưa hợp lý, căn hộ nhà chung cư
chiếm tỷ trọng nhỏ trong các dự án phát triển nhà ở đô thị, các chủ đầu
tư quan tâm nhiều tới việc đầu tư BĐS cao cấp mà chưa quan tâm tơi đầu
tư căn hộ chung cư có diện tích trung bình và nhỏ, giá phù hợp với đại
bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp dẫn tới hiện
tượng bão hòa chung cư cao cấp.
Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại
của thị trường BĐS. Lợi nhuận kinh doanh BĐS cao dẫn tới nhiều doanh
nghiệp tham gia đầu tư BĐS, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm,
và năng lực tài chính yếu, dư nợ cho vay các dự án BĐS tăng mạnh.
Trước đó, phát biểu tại Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây
dựng Nguyễn Hồng Quân cũng đã lưu ý tới những vấn đề “khuyết” của thị
trường BĐS hiện nay cần được khắc phục. Điển hình là giá BĐS nói chung
và giá nhà ở nói riêng vẫn đang ở mức tương đối cao, diễn biến phức tạp,
hiện tượng đầu cơ, kích giá còn diễn ra phổ biến, khó kiểm soát đang là
thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường cũng như nỗ lực giải
quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương còn dễ dãi, thậm chí
nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa
có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ điều kiện để phục vụ cho những nhu cầu
tối thiểu về nơi ở. Ngoài ra, các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan
tạo nên nguồn cung ảo trên giấy, gây nhiễu loạn thông tin dự án trên thị
trường.
Cùng với đó, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, diễn biến thị
trường vẫn phụ thuộc nhiều vào động thái của chính sách tiền tệ, tín
dụng, nguồn tín dụng trung và dài hạn rất hạn chế, nhiều dự án đã phải
tạm dừng triển khai hoặc dãn tiến độ trong khi vấn đề đền bù, GPMB,
chính sách nộp tiền sử dụng đất đang còn là những vấn đề lớn chưa thể
giải quyết trong một sớm một chiều….
Theo Lao Động
|