Thị trường đất nền Hà Nội từng trải qua một thời gian sôi động, từ
các cơn sốt đất đến từ phía Tây, nhất là ở khu vực Ba Vì, rồi tới những
cơn sốt đất âm thầm ở phía Đông. Nhu cầu nhà đất của người dân Thủ đô ở
mức cao, cùng với các chiêu làm giá của cò đất, giới đầu cơ khiến giá
đất Thủ đô tăng chóng mặt. Vậy, liệu có xảy ra các cơn sốt đất trong
thời gian tới?
Sốt đất chỉ xảy ra cục bộ
Trao đổi với PV, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
bày tỏ, nói giá đất của Hà Nội cao thì cũng không hẳn. Có một số dự án ở
các khu vực quy hoạch của Hà Nội được tô vẽ lên, hạ tầng tốt, mức giá
hợp lý… nên xảy ra những cơn sốt cục bộ, mức giá được đẩy lên, đó là thủ
thuật của nhà đầu tư. Nhà ở các dự án của một số khu vực đang có chiều
hướng giảm. Tuy nhiên, nhà ở riêng lẻ của dân thì giá không hề giảm, bởi
tính chất của nó khác với nhà tham gia thị trường.
Hà Nội hiện nay đất không còn sốt cao. Chúng ta không nên quan tâm đến
những cục bộ chỗ này hay chỗ khác, đó là những cái rất cụ thể, gắn với
những thủ thuật của nhà đầu tư, gắn với điều kiện quy hoạch có thể phá
vỡ chỗ này hay chỗ khác. Điều đó không phải là tính đại diện cho toàn bộ
thị trường. Tăng nguồn cung cho thị trường nhà ở
Là chuyên gia về lĩnh vực đất đai, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định,
nguồn cung nhà cho thị trường ở Hà Nội thấp hơn TP. HCM rất nhiều, nên
TP. HCM giảm được giá toàn bộ xuống mức thấp hơn, nhưng Hà Nội vẫn chưa
thể hiện được điều đó. Vẫn có những chỗ tăng, có những địa điểm cụ thể,
có những thời điểm cụ thể có biểu hiệu sốt giá cục bộ, thế nhưng ở TP.
HCM không có. Tức lượng cung nhà của Hà Nội cho thị trường thấp hơn TP.
HCM rất nhiều, chỉ khoảng 40% so với TP. HCM, nên việc giải quyết nhà ở
tại Hà Nội vẫn chưa giải quyết tích cực theo hướng tăng cung.
Tuy nhiên, chung cư ở Hà Nội hiện nay đang có dấu hiệu giảm giá, đây là
điều tốt, hợp lý. Bản chất chung cư dành cho những người có thu nhập
thấp chứ không phải dành cho những người có thu nhập cao, nên việc chung
cư giảm giá là phù hợp với quy luật của thị trường, không có điều gì
bất thường.
Vẫn tồn tại cơ chế xin cho
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, việc quản lý đất đai ở Hà Nội hiện nay, cơ
chế xin cho vẫn đang chiếm tỷ lệ cao, thể hiện trong việc giao đất, cho
thuê đất, thể hiện trong việc bồi thường cho người bị thu hồi đất. Hà
Nội chưa xác định giá đất theo thị trường, thể hiện gốc rễ của cơ chế
xin cho về đất đai. Việc giao đất của Hà Nội không đồng bộ với quy
hoạch. Ví dụ, việc xây dựng khách sạn trong công viên không có trong quy
hoạch, như vậy việc giao đất đó là sai. Việc giao đất, cho thuê đất
nhiều khi mang tính cảm tính với nhà đầu tư, cảm tính với dự án, chứ
không theo cơ sở quy hoạch đã được duyệt.
Mới đây, tại hội thảo "Tài chính đất đai, giá đất và cơ chế chính sách
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ
TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho hay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất
đai phải luôn cập nhật cho phù hợp với thực tế quản lý đất đai và phát
triển thị trường bất động sản. Thứ trưởng hy vọng, việc sửa đổi Luật Đất
đai 2003 sắp tới sẽ đạt kết quả tốt, giải quyết tốt các vấn đề tài
chính đất đai, giá đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo Kinh Tế Đô Thị