Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 8/10 - 14/10
|
Huawei là một trong hai đại gia viễn thông Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp mạng. |
1. Hai đại gia viễn thông Trung Quốc bị nghi làm gián điệp mạng
Ngày 8/10, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ra báo cáo khuyên nước này không nên hợp tác với hai công ty sản xuất thiết bị mạng lớn nhất Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE. Theo họ, hai hãng này có thể chịu sự chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc, sử dụng các thiết bị viễn thông để làm gián điệp mạng, đe dọa đến an ninh Mỹ. Trước đó, Australia cũng đã cấm Huawei tham gia hợp đồng xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia trị giá 38 tỷ USD tại đây.
Chỉ sau đó hai ngày, đến lượt Chính phủ Canada ám chỉ có thể loại Huawei ra khỏi dự án xây dựng mạng truyền thông của nước này, cũng với lý do an ninh. Tại Pháp, Nghị sĩ Jean-Marie Bockel cũng từng trình lên chính phủ báo cáo đề nghị cấm sử dụng router và các thiết bị mạng từ Huawei và ZTE tại quốc gia này.
Theo báo cáo Global Wealth Report 2012 của Credit Suisse, từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2012, tổng tài sản toàn cầu giảm 5,2% xuống 223.000 tỷ USD, chủ yếu vì khủng hoảng nợ châu Âu. Tổng tài sản ở châu Á tuy giảm, nhưng vẫn vượt lên châu Âu để lần đầu tiên trở thành khu vực giàu có nhất thế giới.
Báo cáo cũng dự đoán số người giàu tại đây sẽ tăng nhanh nhất thế giới trong những năm tiếp theo. Số triệu phú mới ở châu Á có thể thêm 70% trong 5 năm lên 11,7 triệu người, tập trung chủ yếu ở Nhật Bản và Trung Quốc. Tập đoàn này nhận định Trung Quốc cũng sẽ là quốc gia giàu thứ hai thế giới sau Mỹ vào năm 2017.
Ngày 10/10, hãng đánh giá tín dụng S&P hạ xếp hạng của Tây Ban Nha từ BBB xuống mức BBB-, chỉ cách mức "rác" một bậc. Cơ quan này cảnh báo với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ, xã hội Tây Ban Nha sẽ còn rất nhiều bất ổn trong thời gian tới.
S&P cũng cho biết sẽ tiếp tục hạ tín nhiệm nếu chính sách hỗ trợ cải cách của Madrid suy yếu, chi phí đi vay của chính phủ gia tăng, tổng nợ quốc gia cao hơn 100% GDP hoặc mức chi trả vượt quá 10% thu nhập của chính phủ.
Sau khi hàng loạt ngân hàng Trung Quốc tuyên bố không tham dự hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) tuần này, đến lượt Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan bất ngờ thông báo vắng mặt do lịch làm việc quá bận.
Theo giới phân tích, hành động của ông Zhou là để phản đối Nhật Bản khi căng thẳng chính trị giữa hai nước đang leo thang. Ông Eswar Prasad, một cựu quan chức cấp cao của IMF nhận định: "Rõ ràng Trung Quốc cảm thấy không cần phải tỏ ra tế nhị hay lịch thiệp trong việc bày tỏ thái độ không hài lòng về tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đang phát đi một thông điệp rằng họ đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ lên trên mọi mối quan tâm kinh tế hay chính trị khác".
Ngày 9/10 - 13/10, Hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản). Đây là cuộc họp lớn nhất quy tụ các quan chức tài chính, kinh tế, ngân hàng và nhiều tổ chức phi chính phủ trên thế giới với sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu.
Trong phiên họp ngày 9/10, IMF công bố “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2012”. Trong đó, cơ quan này cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ đạt 3,3% trong năm 2012 và 3,6% trong năm sau, thay vì lần lượt là 3,5 và 3,9% như báo cáo tháng 7.
IMF bày tỏ sự thất vọng với việc xử lý khủng hoảng nợ ở châu Âu và cách thức giải quyết nợ công của Nhật Bản. Cơ quan này cũng hối thúc một số nước thành viên, trong đó có Mỹ, chấp nhận cải tổ cơ cấu điều hành để giúp các quốc gia mới nổi có thêm quyền hạn trong IMF.
Khi nói về Trung Quốc, bà Muliani Sri Mulyani Indrawati - Giám đốc điều hành WB cho rằng, nước này nên điều chỉnh mô hình kinh tế hiện nay theo hướng thúc đẩy nhu cầu trong nước, hạ thấp tốc độ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tăng trưởng.
Hà Thu (tổng hợp)
|