Vừa mở bán, dự án bị cổ đông căng băng rôn phản đối Đây là dự án Riverside Garden (số 349 - Vũ Tông Phan, quận Thanh
Xuân, Hà Nội) do liên danh Công ty Videc và Công ty Prosimex cùng thực
hiện. Những người mang băng rôn, biểu ngữ phản đối thuộc nhóm một
số cổ đông của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (Prosimex),
do có mâu thuẫn về quyền lợi. Việc làm này của họ cũng nhằm gây áp lực
với Công ty Prosimex để đòi hỏi quyền lợi cho cổ đông. Thành lập
năm 1989, đến năm 2006, Prosimex cổ phần hóa. Nhiều cán bộ công nhân
công ty đã bỏ tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, công
ty làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, phải cầm cố nhiều tài sản. Đại diện nhóm cổ đông này cho hay: Từ năm 2014, Ban lãnh đạo Công ty đã ký
bán thanh lý khối tài sản (349 phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân), thu
về 75 tỷ đồng và 1.000 m2 sàn văn phòng làm việc. Họ cho rằng, tại các
cuộc họp Đại hội cổ đông và HĐQT, Ban lãnh đạo không đề cập việc bán
thanh lý, chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên
doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để
bán. Theo nhóm cổ đông này, công ty đã bán khối tài sản lớn nhất sau cổ
phần hóa nhưng họ không hề được hưởng gì từ số tiền bán tài sản. Trao
đổi về vấn đề này, ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex, khẳng định
hành vi của cổ đông là vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp. Thông tin về quá trình thực hiện dự án, theo
ông Sơn, ngày 24/5/2014, ĐHĐCĐ thường niên Công ty Prosimex đã thông qua
phương án liên doanh liên kết để triển khai dự án văn phòng nhà ở tại
khu đất 349 Vũ Tông Phan. Khi đó, Tờ trình số 29/2014/Ttr-HĐQT đã được
99,28% cổ đông biểu quyết đồng ý thông qua. “Chỉ có 1 cổ đông
không đồng ý nhưng cổ đông này không nằm trong nhóm 57 cổ đông đang có
mâu thuẫn với công ty”, ông Đoàn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty
Prosimex, lý giải. Trên
cơ sở đó, công ty đã triển khai thực hiện dự án với đối tác liên doanh
liên kết là Công ty Videc. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên năm 2014,
Prosimex góp 10% bằng giá trị lợi thế quyền quản lý, sử dụng dất, tài
sản trên đất, chi phí di dời cơ sở sản xuất, chi phí hỗ trợ,... Công ty
Videc góp 90%, chịu chi phí tiền sử dụng đất, chi phí thực hiện dự án. Công
ty Prosimex ủy quyền toàn bộ cho Công ty Videc thực hiện các hạng mục
dự án, được nhận lại 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng tại Dự án
Riverside Garden khi dự án hoàn thành. Nói cách khác, Prosimex vẫn có
quyền và lợi ích tại dự án này. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng phòng
Hành chính - Kinh doanh Công ty Videc, nói thêm, Videc đã thực hiện đầy
đủ những nội dung thỏa thuận và ký kết hợp tác liên doanh với Công ty
Prosimex. Theo hồ sơ dự án, từ năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã có
Quyết định 7219 cho phép công ty Prosimex chuyển đổi mục đích sử dụng
hơn 8.800m2 đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) để thực
hiện dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ - Riverside
Garden. “Sau đó, chúng tôi đã triển khai dự án và đã được Sở Xây
dựng cấp phép xây dựng. Đến nay, dự án đã hoàn thành phần móng, có văn
bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện ký hợp đồng bán, thuê mua”,
ông Dũng nói.
Chủ tịch UBND phường Khương Đình, ông Vũ Quang Trung cho hay: Khi
xảy ra sự việc, chủ đầu tư đã có báo cáo sự việc gửi UBND phường Khương
Đình do họ lo lắng xảy ra những vấn đề mất an ninh trật tự, nhất là khi
tuyến đường Vũ Tông Phan là tuyến đường hẹp, thường xuyên ách tắc vào
giờ cao điểm. “Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND quận Thanh
Xuân. Tới đây, UBND quận sẽ tiến hành một cuộc họp với sự có mặt của các
bên liên quan để làm rõ sự việc”, ông Trung cho hay.
|