Lĩnh vực Tài chính – ngân hàng được coi là nền móng đầu tư cho sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Kiên. Đây cũng là lĩnh vực cho thấy sự nhanh nhạy, biết nắm bắt thời cơ quá tốt của bầu Kiên.
Không phải là người sáng lập ra ngân hàng Á Châu (ACB) và thời gian đầu, ông Kiên chỉ tham gia với tư cách góp vốn, nhưng không lâu sau đó, do thấy sự lớn mạnh mạnh nhanh chóng của ngân hàng ACB, ông đã trở thành Phó chủ tịch Ngân hàng cổ phần Á Châu.
Tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông Kiên vượt xa sở hữu của 2 sáng lập viên Trần Mộng Hùng và Phạm Trung Cang. Còn nếu tính cả gia đình, nhà ông Kiên vào sau nhưng chỉ kém gia đình ông Hùng đôi chút. Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,7% cổ phần của ACB.
Không chỉ vậy, tính đến trước Trước khi bị bắt, ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 công ty con của ACB là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngoài số cổ phiếu đang nắm giữ tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Nhà đầu tư này được cho là cổ đông lớn nhất, chi phối 2 ngân hàng Kiên Long và Đại Á. Việc ông Kiên sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng nhỏ này có thể cấu trúc qua Ngân hàng ACB hoặc một số cá nhân, tổ chức được ủy thác.
Ngoài Kiên Long, Đại Á, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
|
Bầu Kiên |
Không chỉ nắm bắt thời cơ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, một trong những pha “chớp thời cơ” đình đám khác, khiến cho tên tuổi của bầu Kiên nổi như cồn trên các báo là việc cướp diễn đàn, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của ban tổ chức V-League, của đội ngũ trọng tài...
Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.
Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước.
Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế Chủ tịch HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất.
Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.
VPF được thành lập chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình.
Phó chủ tịch HĐQT VPF bất ngờ bỏ qua AVG – đơn vị đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF – để bắt tay hợp tác với VTV và VTC.
"Ác liệt" hơn, ông còn làm công văn gửi lên các Bộ và thủ tướng, đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF và AVG đã ký.
Vị “đại gia đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên được biết đến là một người ít khi thất bại một khi đã theo đuổi một mục tiêu nào đó. Hoặc những thất bại của ông thường bị vầng hào quang thành công của ông che khuất. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của bầu Kiên.
Thời gian gần đây, một trong những thương vụ làm ăn chưa có lãi của bầu Kiên được nhiều báo chí mổ xẻ là việc đầu tư vào CLB Bóng đá Hà Nội.
Ông quyết tâm tạo ra bước đột phá bằng cách đầu tư mạnh mẽ. Ông xóa tan hình ảnh về những đội bóng không cần ngôi sao bằng cách đưa về đội tiền đạo Công Vinh với giá được cho là 15 tỉ đồng, cùng với đó là việc bỏ ra rất nhiều tiền giữ chân những ngôi sao cũ như Thành Lương.
Từ đó, nhiều người đã đánh giá CLB Bóng đá Hà Nội của bầu Kiên là một trong những ứng viên vô địch. Nhưng đúng vào lúc bầu Kiên dồn nhiều tâm huyết nhất, đầu tư nhiều tiền của nhất thì đội bóng lại làm ông thất vọng nhất. HLV Nguyễn Thành Vinh bất lực nhìn CLB Bóng đá Hà Nội tụt dốc nên đành phải nhường ghế cho người khác.