Vốn chảy ngược từ doanh nghiệp sang cổ đông lớn Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về việc quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Thông tư này quy định khá cụ thể các nguyên tắc quản trị công ty đại chúng cần áp dụng để tránh mâu thuẫn lợi ích, có thể gây thiệt hại cho các cổ đông. Nhưng dường như, quy định này vẫn chưa bao phủ được hết các trường hợp đang diễn ra tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thiếu chế tài giám sát, xử lý cũng khiến những quy chế này chỉ có giá trị trên giấy.
Chương V, VII, Thông tư 121 tập trung toàn bộ vào các vấn đề ngăn ngừa xung đột trong quản trị công ty đại chúng. Điểm mới của Thông tư là quy định, ngoài yêu cầu phải công khai các giao dịch của người có liên quan, công ty đại chúng không được cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành, các cán bộ quản lý khác và những người có liên quan tới các thành viên nêu trên, trừ khi đại hội cổ đông có quyết định khác. Đối với các giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản. Nội dung hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể và công bố thông tin cho cổ đông khi có yêu cầu.
Quy định này trên thực tế không mới, vì đã được áp dụng cho các công ty niêm yết. Nhưng đây có thể được coi là một bước tiến rất lớn trong quản trị công ty đại chúng nói chung, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, nhiều sai phạm liên quan đến quản trị tài chính doanh nghiệp được phát hiện. Tuy nhiên, mức tuân thủ các quy định này, ngay cả với doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa lớn, và bản thân các quy định ngăn ngừa xung đột lợi ích này dường như vẫn chưa đủ để bao phủ lên các trường hợp thực tế.
Báo cáo tài chính kiểm toán của một ngân hàng thương mại cổ phần năm 2011 cho thấy, mặc dù vốn chủ sở hữu của ngân hàng chỉ là 3.000 tỷ đồng, nhưng riêng tiền cho cổ đông vay đã lên tới… 2.300 tỷ đồng. Lẽ dĩ nhiên, cổ đông của ngân hàng này có một phần là các doanh nghiệp, nên việc cổ đông là khách hàng của chính ngân hàng là điều có thể xảy ra. Lần giở lại báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2010 sẽ thấy, con số vay nợ của cổ đông với ngân hàng luôn ổn định ở mức… xấp xỉ 70% vốn điều lệ. Thực tế này khó có thể xem là bình thường.
Không có thuyết minh chi tiết về các điều khoản của những giao dịch với cổ đông, nên cổ đông bên ngoài sẽ không thể biết được các giao dịch này có thực sự đảm bảo công bằng, không ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng hay không? Nhưng việc một cổ đông góp vốn vào ngân hàng, rồi lại vay vốn từ chính ngân hàng ấy có nên hiểu là việc góp vốn “hơi” mà công chúng đầu tư đã nhắc đến từ lâu?
|
Năm 2011, KBC dành khá nhiều khoản vay cho lãnh đạo công ty và các doanh nghiệp liên quan. |
Không chỉ trường hợp ngân hàng nói trên, chuyện giao dịch tiền giữa công ty niêm yết với ban lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan vẫn thực hiện tràn lan trong thời gian vừa qua.
Báo cáo tài chính năm 2011 có kiểm toán của Tổng công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cho thấy, trong năm 2011, KBC cho ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc) vay 110 tỷ đồng, tạm ứng hơn 40 tỷ đồng; cho Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn (là cổ đông của KBC) vay 91 tỷ đồng; cho vay Công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn (cổ đông, người có liên quan với ông Đặng Thành Tâm, cùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị) 130 tỷ đồng… Những thông tin về các giao dịch này được công khai tại báo cáo tài chính của công ty.
Ngoài trường hợp KBC, tình trạng cho vay với ban lãnh đạo, người nhà ban lãnh đạo doanh nghiệp khá phổ biến. Thậm chí, tại một công ty niêm yết trong ngành khoáng sản, có vốn điều lệ chưa đầy 100 tỷ đồng, năm 2011, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty đã quyết định dùng toàn bộ 50 tỷ đồng từ đợt huy động tăng vốn cho công ty riêng của vợ vay không tính lãi suất suốt 9 tháng liền. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi một thành viên Ban Kiểm soát là đại diện của nhóm cổ đông bên ngoài khui ra. Mâu thuẫn gay gắt, nhóm cổ đông bên ngoài quyết định thoái vốn đi kèm với nhân nhượng sửa báo cáo ban kiểm soát (bỏ phần thông tin liên quan đến khoản cho vay) sau khi vị Chủ tịch Hội đồng quản trị nọ cam kết sẽ hoàn trả phần lãi suất chênh lệch 14%/năm cho toàn bộ thời gian vay 9 tháng nói trên.
Mặc dù quy chế quản trị công ty niêm yết đã có từ lâu, nhưng cơ chế giám sát các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm quy định vẫn chưa có. Cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ, trong nhiều trường hợp không phát hiện ra những sai phạm trên, hoặc phát hiện ra vấn đề, nhưng không ý thức được đó là sai phạm. Còn cơ quan quản lý, dường như không đủ sức để có thể lọc tất cả các báo cáo tài chính, các hoạt động của doanh nghiệp để tìm ra sai phạm.
Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng công khai các giao dịch tài chính như trường hợp của Kinh Bắc. Như tại một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, liên tục 9 tháng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này có khoản tạm ứng lên tới… 400 tỷ đồng trên vốn chủ gần 600 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, khoản tạm ứng này cho một nhóm cán bộ quản lý của công ty. Khi phóng viên hỏi, ban lãnh đạo doanh nghiệp trả lời rằng, có những khoản đầu tư… không tiện đứng tên, nên để dưới danh nghĩa là khoản tạm ứng (!)
Hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp chỉ có thể được phát huy tối đa, khi mọi nguồn lực được tận dụng đúng. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, cổ đông phải là người có trách nhiệm cao nhất về giám sát tình hình sử dụng các nguồn lực ấy tại doanh nghiệp. Nhưng khi công chúng còn chưa kịp nắm bắt đầy đủ quyền lợi của mình, thì cơ quan quản lý ở đâu trong tất cả những trường hợp trên, nhất là khi những sai phạm thể hiện rõ ràng trên giấy tờ?
(Đầu tư chứng khoán)
|