Bất chấp làn sóng tháo chạy của doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư
nước ngoài lại âm thầm săn lùng các khu đất đẹp để phát triển dự án, tìm
cơ hội trong khủng hoảng.
Là nhà phát triển bất động sản tại Malaysia và có 2 dự án nhà ở tại
Bình Dương (Việt Nam), Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Setia
Lái Thiêu, Saw Kim Suan nhận định: "Đây là thời điểm tốt để chọn lựa,
đàm phán các dự án". Ông cho hay, trong năm 2012 doanh nghiệp đang bắt
tay tìm kiếm các khu đất đẹp để chuẩn bị cho kế hoạch mới. Địa điểm được
nhà đầu tư Malaysia ưa chuộng là những khu vực thuận tiện phát triển
dòng sản phẩm bất động sản sinh thái, kết nối hạ tầng tốt với khu trung
tâm TP HCM.
Vừa để vuột cơ hội đầu tư vào một khu đất tại quận 9 (TP HCM), ông
Saw cho hay sẽ chuyển hướng sang các dự án khác. Ông Saw Kim Suan chia
sẻ: "Bất động sản Việt Nam là thị trường trẻ, giàu tính cạnh tranh, còn
nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai nên chúng tôi vẫn kiên nhẫn
chờ đợi và tìm kiếm cơ hội".
Trong khi đó, đại diện một đơn vị môi giới dự án tại quận 3 bật mí
đang tư vấn khâu cuối cùng cho một số nhà đầu tư Nhật mua các khu đất có
vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, TP HCM, để phát triển cao ốc.
Người này tiết lộ thêm, các nhà đầu tư này không ngại tình trạng giảm
giá, bội thực nguồn cung văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại.
"Yêu cầu duy nhất của họ là khu đất phải nằm ở trung tâm Sài Gòn và là
đất sạch. Họ không có ý định mua rẻ bán đắt mà lập kế hoạch khai thác
lâu dài. Vì thế, việc chọn hàng khá kỳ công", ông giải thích.
|
Một nhà đầu tư ngoại đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án phức hợp ở trung tâm quận 1, TP HCM giữa lúc bất động sản khủng hoảng. |
Trao đổi với PV về kế hoạch phát triện dự án mới, Tổng giám đốc Công
ty Hùng Việt và KRDF03 (liên doanh giữa Việt Nam và quỹ đầu tư Hàn
Quốc), Sang Hun Oh tiết lộ: "Ngoài 2 dự án đang thi công tại TP HCM
hướng đến cộng đồng người Hàn Quốc và người Việt có thu nhập ổn định,
công ty mẹ đang cân nhắc tìm thêm cơ hội đầu tư bất động sản cho vài năm
tới".
Ông Sang Hun Oh nhận định, mọi người đều e ngại hiện thị trường địa
ốc lâm vào tình trạng cực xấu và gần như chạm đáy. Song, thời điểm này
lại là lúc nhà đầu tư chuyên nghiệp đưa ra các quyết định vì giá hàng
hóa "mềm" hơn hoặc vừa túi tiền hơn. "Khi khủng hoảng qua đi, theo quy
luật mọi tài sản, trong đó có bất động sản sẽ dần khôi phục giá trị. Khi
đó mới là lúc nhìn lại kết quả của suất đầu tư", ông Sang Hun Oh nói.
Đang thực hiện khá nhiều thương vụ tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp
nước ngoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Song Phát, Trần Tấn Thiện cho biết,
tuy chưa thống kê cụ thể nhưng khối ngoại săn dự án trong 6 tháng qua có
chiều hướng tăng. So với cách đây 2-3 năm, nhà đầu tư châu Á, đặc biệt
là Nhật đang lấn lướt. "Nếu chỉ tính trong hệ thống của Song Phát, lượng
nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các dự án: hàng tiêu dùng, thực phẩm,
đặc biệt là bất động sản để xây cao ốc, nhà xưởng đang tăng 50% so với
năm trước", ông nhận xét.
|
Nhà đầu tư Nhật đang lùng đất
sạch ở khu trung tâm TP HCM để phát triển dự án cao ốc dù thị trường văn
phòng cho thuê và trung tâm thương mại đang giảm giá, thừa nguồn cung. |
Theo ông Thiện, do nền kinh tế Việt Nam nói chung, bất động sản nói
riêng, còn non trẻ so với nhiều nước trong khu vực: Malaysia, Hàn Quốc,
Nhật... nên khối ngoại vẫn nhìn thấy cơ hội khi thị trường này khủng
hoảng. Đặc điểm của nhà đầu tư nước ngoài là có kế hoạch dài hơi, tiềm
lực tài chính ổn định trong trung và dài hạn.
Chuyên gia này giải thích, nhà đầu tư châu Á tham gia thị trường Việt
Nam đang dần tăng lên vì nhiều lý do: vị trí địa lý gần, có nhiều tương
đồng văn hóa, quan hệ hữu nghị tốt đẹp và khoảng cách về trình độ giữa
các nền kinh tế này không chênh lệch nhiều như phương Tây. Thêm vào đó,
cuộc khủng hoảng tại Châu Âu đang lan rộng khiến các nhà đầu tư chuyển
hướng sang thị trường mới nổi ở Đông Nam Á là Việt Nam.
"Nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán nhiều phương án nhằm chọn điểm
rơi của nền kinh tế Việt Nam và họ chấp nhận các thách thức vô hình để
nhập cuộc trong cơn khủng hoảng này nhằm sàng lọc cơ hội", ông nói.
Báo cáo nghiên cứu và dự báo thị trường bất động sản Việt Nam trong
quý 2 của Colliers International nhận định, dù 6 tháng qua địa ốc chưa
có chuyển biến song từ quý 2, các chính sách tài khóa dần nới lỏng đã mở
ra nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể là: việc giảm lãi suất tiền gửi,
giảm lãi vay và nới lỏng có kiểm soát các khoản vay tiêu dùng, bất động
sản.
Colliers phân tích, tổng vốn FDI của Việt Nam 6 tháng qua đạt 6,38 tỷ
USD tương đương 72,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 1,5 tỷ USD
vốn FDI đổ vào bất động sản bao gồm vốn đăng ký bổ sung và vốn đầu tư
của 4 dự án mới cấp phép là một điểm sáng. Colliers lý giải, điều này
cho thấy, dù xác định có không ít rủi ro trên thị trường bất động sản
Việt Nam nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy và tin vào tìm
năng phát triển dài hạn.