Ngân hàng: Ngột ngạt những ngày cuối năm Ngân hàng: Ngột ngạt những ngày cuối năm
13/12/2011 09:30
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là hết 2011, trong
khi thị trường tạm lắng những biến động thì trong các ngân hàng lại
không thiếu những căng thẳng, ngột ngạt để lo thanh khoản và các tiêu
chí an toàn.
Lãi vẫn không hết lo
Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã có thể hoàn toàn có thể yên
tâm khi hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của mình. Con số lãi lên đến hàng
trăm cho đến hàng ngàn tỷ đồng là con số đáng mơ ước cho bất cứ lĩnh vực
kinh doanh nào khác.
Con số sơ bộ đến hết tháng 11-2011, TienPhong Bank, lợi nhuận trước thuế
(LNTT) đạt 376 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận năm nay tăng 140% so với năm
2010. ABBANK đạt 391,3 tỷ đồng so với kế hoạch năm là 500 tỷ đồng. Hàng
loạt ngân hàng khác như Sacombank là 2.618 tỷ đồng, Vietinbank với 4.129
tỷ đồng, Vietcombank 3.309 tỷ đồng, ACB 2.101 tỷ đồng, Eximbank 2.028
tỷ đồng...
Tuy nhiên, những bên cạnh đó cũng không thể không nói đến một số ngân
hàng chưa thể tính hết được kết quả kinh doanh của mình, đó là những
ngân hàng có thể không hoàn thành mục tiêu đề ra thậm chí bị lỗ. Nhưng
con số này chỉ là một phần nhỏ. Còn xét theo kết quả lợi nhuận thì ngân
hàng vẫn có một năm thắng lợi.
Tuy nhiên, nếu như mọi năm, với con số ngàn tỷ này thì các ngân hàng tha
hồ mà thăng hoa và không mấy khi bị nghi ngờ về những vấn đề khác. Còn
năm nay, lãi ngàn tỷ các ngân hàng cũng không thể che được sự soi mói
của nhiều người trước những vấn đề cố hữu của mình về thanh khoản, nợ
xấu, các chỉ tiêu an toàn.
Một chuyên gia tài chính cho biết, ngay cả 3 ngân hàng với hợp nhất, họ
đều có con số lợi nhuận đến những tháng gần nhất là khá tốt. Nhưng đằng
sau đó là nguy cơ mất thanh khoản, nợ xấu và thậm chí nảy sinh những vấn
đề khác nếu kéo dài. Tình thế đó, họ đã hợp nhất, nhờ đến sự trợ giúp
vốn của Ngân hàng Nhà nước, nhân lực và quản trị từ BIDV.
Đấy là 3 trường hợp đã được công khai, thực tế, không thể phủ nhận sẽ
còn không ít những ngân hàng khác cho đến tận những ngày cuối năm vẫn
gặp những khó khăn về thanh khoản. Tất nhiên, họ sẽ nhận được những hỗ
trợ từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức khác. Nhưng vấn đề là vay rồi
sẽ phải trả và đó mới chính là sức ép lớn.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cho biết, chuyện vay
mượn giữa các ngân hàng vốn rất nóng trong 1 một năm qua sẽ lại nóng lên
trong những ngày này khi có nhiều món phải đến kỳ trả nợ. Trong khi đó,
như thông tin đã đưa thì có mấy ngân hàng vay rồi chây ì do khó có khả
năng trả đúng hạn. Điều này sẽ làm khó cho cả kẻ vay và người cho vay.
Hơn nữa, trong những ngày cuối năm, như thông lệ, do nhu cầu tiền mặt,
thanh khoản của các ngân hàng sẽ chịu sức ép lớn hơn. Những ngân hàng đã
khó sẽ lại càng thêm khó trong điều kiện người dân rút tiền chi tiêu,
lãi suất kém hấp dẫn gửi tiền...
Nhưng đó vẫn chưa là tất cả, các ngân hàng chỉ còn thời gian rất ngắn để
thoàn thiện những báo cáo 2011 gửi lên cơ quan quản lý, công bố ra bên
ngoài. Trong đó, tại thời điểm này những con số nợ xấu, các tỷ lệ cho
vay phi sản xuất, trích lập dự phòng... sẽ thực sự là một vấn đề với
không ít ngân hàng nếu muốn có một bản công bố đẹp.
Chính vì thế, không có gì lạ khi những ngày này, nhiều ngân hàng đã chấp
nhận dừng hầu hết các khoản giải ngân tín dụng, tập trung để huy động
vốn, đòi nợ, thậm chí cầu đến các biện pháp kỹ thuật để đáp ứng các chỉ
tiêu mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, cũng như làm đẹp bản báo cáo của
mình để thoát các "án kỷ luật" hành chính nếu có và nhất là thoát khỏi
"nghi ngờ" của thị trường về chất lượng của mình trong thời điểm nhạy
cảm này.
Có lẽ vì thế mà một chuyên gia từ Bộ phận quản lý an toàn và rủi ro của
một ngân hàng cho biết, cường độ làm việc và không khí trong các ngân
hàng những ngày cuối năm này rất ngột ngạt. Nếu như mọi năm trước chỉ là
sự bận rộn thông thường thì nay thực sự là một sức ép lớn bởi chỉ còn
mất ngày để dọn dẹp nốt các vấn đề mà một năm đầy biến động đã bày ra,
quả là không dễ.
2012: Chưa thể tính trước được gì
Điều đáng nói là cho đến thời điểm này, các ngân hàng dù kinh doanh tốt
hay không đều có chung một quan điểm là chưa thể nói trước điều gì trong
năm 2012 dù những định hướng cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cho năm sau
đã phần nào được công khai.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, những thông tin ban đầu như: tăng
trưởng tín dụng, tăng trưởng thanh toán, nới một số lĩnh vực cho vay...
đều đã nói ra nhưng với chủ trương chặt chẽ để tiếp tục ổn định và với
cách điều hành và can thiệp sâu và mạnh như thời gian qua thì chưa thể
nói trước điều gì. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ phần bổ chỉ tiêu
tín dụng theo chất lượng. Đây thực sự là một thay đổi lớn thách thức
nhiều ngân hàng trong năm 2012. Chưa ai biết mình sẽ được những gì và
nhất là phải đáp ứng những điều kiện nào.
Chuyên gia từ Hiệp hội ngân hàng cho biết, tâm lý đó của các ngân hàng
là điều dễ hiểu, bởi căn cứ từ những điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ
tháng 9 đến nay cho thấy sự giám sát và xử lý sẽ được tăng cường mạnh
mẽ hơn. Hơn thế, trong hoàn cảnh thực thi tái cấu trúc và nâng cao chất
lượng ngân hàng thì việc này sẽ được Ngân hàng Nhà nước làm gắt gao hơn.
Tất nhiên, các ngân hàng cũng sẽ phải dè dặt hơn trong tính toán của
mình.
Vị chuyên gia này cho biết, tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp cuối năm
và kế hoạch 2012, có rất nhiều điều được chờ đợi nhưng có một điều chắc
chắn là thông điệp kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn sẽ được ấn
định. Mà đó luôn là điểm yếu mà các ngân hàng phải vất vả chấn chỉnh
trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, nếu như tình hình trong nước 2012 được xem là dần ổn hơn.
Tuy nhiên, một khó khăn mới đang chực chờ các DN là các thị trường xuất
khẩu lớn của Việt Nam như: Châu Âu, Mỹ lại có nhiều dấu hiệu khó khăn.
Và một khi cộng đồng DN khó khăn thì ngân hàng cũng khó theo, nhất là
khi chứng khoán và BĐS dù được nới ra những chưa thể được như xưa.
Vì thế, 2012 vãn còn là một nỗi lo và nói như cách của các ngân hàng là
phải bám lấy các chỉ tiêu an toàn, còn việc lợi nhuận hay tăng trưởng
thì cứ đến đâu tính đến đó.
Nói về điều này, Giám đốc tín dụng của một ngân hàng cổ phần cho biết,
chắc chắn sẽ không có chuyện tăng tín dụng mạnh mà ngược lại sẽ có sự
định hướng vào một số lĩnh vực nhất định như sản xuất, nông nghiệp...
điều này sẽ khiến cho các ngân hàng không có thế mạnh trên các lĩnh vực
này sẽ gặp khó khăn vì việc mở rộng và chuyển hướng sang lĩnh vực khác
là không dễ.
Từ đó có thể thấy, nếu 2011 ngân hàng gặp khó chung thì 2012 chắc sẽ có
sự phân nhóm rõ ràng hơn và rồi chuyện kẻ ăn không hết người lần chẳng
ra sẽ lộ rõ hơn. Không dễ còn cảnh cả làng hoan hô như thời gian trước.
Theo VEF
|