Dự thảo lần một thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang gây nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất cho phép người vi phạm nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông thay vì đến kho bạc như hiện nay.
|
Nhiều người dân đông tình với quan điểm nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT khi vi phạm để không phải đi lại nhiều lần. Ảnh: Bá Đô |
Phía ủng hộ chủ trương này cho rằng sẽ giúp người vi phạm được thuận tiện và không tốn kém thời gian, công sức đi lại. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại việc cho phép cảnh sát giao thông thu tiền phạt trực tiếp sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cho biết, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ khi đưa ra đề xuất trên. Việc nộp phạt trực tiếp có lợi cho người dân. Chẳng hạn, một người ở Hà Nam vượt đèn đỏ ở Hà Nội, thay vì đi lòng vòng nộp phạt rồi chờ đợi lấy giấy tờ thì có thể nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông, mọi việc được giải quyết nhanh chóng.
Ông Tuyên nhấn mạnh, việc nộp phạt trực tiếp chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng với cá nhân, trên 500.000 đồng với tổ chức, xảy ra ở những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính, trường hợp bất khả kháng người vi phạm không thể đến kho bạc. Các tình huống khác vẫn áp dụng theo quy định cũ.
Theo ông Tuyên, những tiêu cực của cảnh sát giao thông cũng phần nhiều do người dân có ý thức tham gia giao thông kém mà ra. Thông thường, khi phát hiện người mắc lỗi, cảnh sát mới dừng xe sau đó lập biên bản, nhưng nhiều người không muốn tới kho bạc, muốn đi nhanh nên "dúi tiền vào tay cảnh sát". Sắp tới, phía công an sẽ làm nghiêm, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tiêu cực không đáng có này.
Đồng tình với quan điểm cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông, luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc) cho rằng đây là một bước cải cách hành chính trong việc xử lý người vi phạm giao thông. "Nó giải quyết ngắn gọn khâu nộp phạt, tạo thuận lợi và rút bớt thời gian đi lại cho người dân", ông Bình đánh giá.
Trước đây Bộ Công an từng cho phép cảnh sát giao thông được viết biên lai xử phạt trực tiếp người vi phạm giao thông, sau đó vì phát sinh tiêu cực nên việc này bị dừng lại. Vì thế, theo luật sư Bình, nếu thực hiện theo dự thảo cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ hơn để hạn chế tiêu cực và giữ hình ảnh đẹp của lực lượng cảnh sát giao thông.
Bá Đô