Chưa cân đối cung, cầu USD Tình trạng giá ngoại tệ giảm và ổn định ở mức thấp phản chiếu phần nào bức tranh kinh doanh chưa sáng sủa của các doanh nghiệp trong những tháng tới.Lượng kiều hối, dòng vốn đầu tư nước ngoài... đẩy nguồn cung USD trên thị trường tăng - Ảnh: Ngọc Thạch |
Cung tăng “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua USD nhiều, khối lượng gấp nhiều lần so với trước đây, chính vì vậy mà giá USD trong hệ thống ngân hàng (NH) mới giữ được ở mức này, còn không giá USD đã giảm sâu hơn nữa. Việc mua vào USD đã đỡ giá đồng ngoại tệ này không giảm sâu trong những ngày qua”, một cán bộ NHNN cho biết. Thời điểm này mọi năm, NHNN thường phải bán USD can thiệp thị trường nhưng như đã nói ở trên, năm nay, đơn vị này đã phải mua vào để giữ tỷ giá ổn định. Tình trạng tỷ giá giảm bắt đầu từ đầu tháng 1 và kéo liên tục. Đến nay, giá USD trong hệ thống NH đang ổn định ở mức thấp. Cụ thể, ngày 17.1, giá mua USD - mua USD chuyển khoản và giá bán USD của các NH dao động ở mức 21.060 - 21.070 - 21.110 đồng/USD. Giá USD ngoài thị trường tự do ở mức 21.140 - 21.160 đồng/USD (giảm 20 đồng/USD so với tuần trước). Sở Giao dịch NHNN vẫn duy trì giá mua - bán USD ở mức 21.100 - 21.246 đồng/USD. Sở dĩ tỷ giá giảm là do cầu USD đang giảm. Trưởng phòng ngoại hối của một NH cổ phần cho biết những ngày gần đây người mua USD ít, người bán thì nhiều. Ngoài các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có nguồn USD sẵn trên tài khoản thực hiện bán ra, các DN đang chờ nguồn USD về cũng bán trước để được giá cao hơn. Một DN cho biết giá bán USD theo hợp đồng của 1 tháng ở mức 21.200 đồng/USD. Có được mức giá này là do lãi suất tiền đồng trên thị trường hiện nay đang tăng, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên NH trong những ngày qua lên mức 5%/năm (tăng 2%/năm so với cách đây 2 tuần), nên những NH đang có trạng thái ngoại tệ dương cũng thực hiện bán USD lấy tiền đồng. Vì vậy cung USD tăng mạnh. Cầu có mức độ Ngoài cung từ những nguồn nói trên, nguồn ngoại tệ trên thị trường hiện khá dồi dào từ vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... Lượng kiều hối qua các NH đã tăng 25 - 30% so với trước đó. Như ở Công ty kiều hối Sacombank ước đạt khoảng 1,7 tỉ USD, Công ty kiều hối Đông Á khoảng 1,5 tỉ USD, kiều hối qua Vietcombank đạt 1,3 tỉ USD... Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết lượng kiều hối qua các công ty, NH trên địa bàn TP trong năm 2013 ước 4,8 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm 2012. Điều đáng nói là dòng kiều hối đang có sự chuyển dịch tích cực khi chảy vào sản xuất kinh doanh là 70% (năm 2012 là 69,5%), vào bất động sản là 21% (năm 2012 là 22,5%) và gửi cho người thân là 9%. Cung nhiều nhưng cầu ngoại tệ giảm ngay tại thời điểm cuối năm phản ánh tình trạng kinh doanh của nhiều DN. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, cho biết hợp đồng nhập khẩu hàng của công ty tại thời điểm này giảm so với năm ngoái. Thị trường còn nhiều khó khăn nên DN chỉ hoạt động cầm chừng, khi nào có đầu ra thì mới nhập hàng về. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng ngoại tệ không tăng so với năm trước. Trong một báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô VN gần đây, Ngân hàng HSBC cho rằng từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm, VN trong năm 2013 đã đạt mức thặng dư thương mại 900 triệu USD sau khi đã có thặng dư nhẹ trong năm 2012. Kết quả này đã giúp VN cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời cũng thể hiện những mặt tồn tại của nhu cầu nội địa. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư thấp đã kéo tăng trưởng nhập khẩu giảm. Thanh Xuân
|