Các hãng giá rẻ ở Đông Nam Á thi nhau đặt và nhận ngày càng nhiều máy bay mới, trong khi nhu cầu vẫn yếu vì kinh tế tăng trưởng chậm chạp.
Các hãng bay giá rẻ Đông Nam Á đang kinh doanh rất tốt nhờ sự phát triển của ngành hàng không. Họ giành giật mọi máy bay mới mà các hãng sản xuất có thể bán do tin rằng giá vé rẻ và thu nhập khả dụng tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tại thị trường 600 triệu dân này.
Làn sóng mua máy bay cũng được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và chính sách tín dụng xuất khẩu của các nước phương Tây. Xu hướng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả VietJetAir (Việt Nam) và Nok Air (Thái Lan) đều dự kiến đặt hàng tại Triển lãm hàng không Singapore Airshow tuần này.
Tuy nhiên, sau nhiều năm bùng nổ, các hãng bay giá rẻ trong khu vực đang đối mặt với nỗi lo dư thừa công suất. Do số máy bay được giao hàng ngày càng tăng, các hãng mở rộng sang thị trường của nhau và tiền tệ yếu đe dọa tăng trưởng kinh tế. "Đây là nơi duy nhất trên thế giới các hãng hàng không có nhiều đơn đặt hàng hơn đội bay hiện tại", Brendan Sobie - trưởng nhóm phân tích tại hãng tư vấn CAPA cho biết trên Reuters.
|
Các hãng hàng không giá rẻ châu Á đang đặt hàng rất nhiều máy bay. Ảnh: Bloomberg |
Theo ước tính, các hãng hàng không Đông Nam Á sẽ có đội bay 1.800 chiếc vào cuối năm nay. Số máy bay được đặt hàng cũng sẽ vượt mốc 2.000. Số đơn hàng của châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm 36% toàn cầu và đang ngày một tăng lên, Airbus cho biết.
Năm ngoái, công suất bay của các hãng hàng không Malaysia, Philippines và Singapore đã tăng trưởng nhanh hơn nhu cầu của hành khách. Việc này đã gây áp lực lên lợi nhuận và doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng.
Việc này có thể còn nghiêm trọng hơn năm nay, khi các hãng bay Đông Nam Á tiếp nhận thêm 230 phi cơ nữa với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. Tốc độ này tương đương gần một chiếc mỗi ngày.
Lý do rất nhiều hãng hàng không cùng đặt hàng một lúc là cải tiến về động cơ giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn. Thanh khoản dồi dào do chương trình nới lỏng của các ngân hàng trung ương cũng khiến việc tìm vốn để đặt hàng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng cảnh báo cuộc đua mua máy bay tiết kiệm nhiên liệu có thể khiến lĩnh vực hàng không gặp rắc rối. "Khi điều hành một hãng hàng không, vì cả lý do kinh tế và uy tín, anh sẽ luôn muốn có những công cụ mới, vì thế bạn đặt mua máy bay. Thêm vào đó, nếu thấy láng giềng đặt hàng, anh cũng sẽ làm tương tự. Tôi không cho đó là việc vô lý, nhưng rõ ràng là châu Á đang mua nhiều hơn những gì họ thực sự cần", Bertrand Grabowski – người đứng đầu bộ phận tín dụng hàng không - đường bộ tại ngân hàng DVB (Đức) cho biết.
Phần lớn các đơn hàng thuộc về hai hãng bay giá rẻ phát triển nhanh nhất khu vực - AirAsia (Malaysia) và Lion Air (Indonesia). Cả hai đều đặt hàng trăm chiếc Boeing và Airbus trị giá hàng chục tỷ USD.
Tony Fernandes - ông chủ AirAsia gần đây đã bác bỏ tin tức về bong bóng đơn hàng máy bay ở châu Á. Dù vậy, lợi nhuận của AirAsia vẫn sụt giảm do cạnh tranh giá trong thị trường nội địa, từ Malindo Air và Malaysian Airlines.
Rusdi Kirana, đồng sáng lập Lion Air không tiết lộ lợi nhuận của hãng. Ông chỉ dự đoán hoạt động M&A trong lĩnh vực này sẽ là "không thể tránh khỏi" do số lượng lớn công ty trong phân khúc bay giá rẻ. Gần đây, Tiger Airways đã đồng ý bán mảng kinh doanh tại Philippines cho Cebu Pacific. Còn AirAsia tại Philippines cũng mua lại Zest Air.
Dù vậy, những mối lo này cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự kiện hàng không tại Singapore sẽ diễn ra vào ngày mai (11/2). Giới quan sát dự đoán các hợp đồng mới sẽ mang về khoảng 100-200 máy bay trị giá 10-20 tỷ USD cho Đông Nam Á, dù vẫn thấp hơn con số kỷ lục 200 tỷ USD tại Dubai tháng 11 năm ngoái.
Hà Th
u