“Không có chuyện” nới lỏng tín dụng bất động sản “Không có chuyện” nới lỏng tín dụng bất động sảnTrước một số thông tin cho rằng, sắp tới Chính phủ sẽ thực hiện nới
lỏng tiền tệ đối với một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản, lãnh đạo
Văn phòng Chính phủ khẳng định “không có chuyện đó”.
Thông tin trên được cả Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng
định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 24/7.
Tại buổi họp báo nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, cho hay trước đó,
dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ
đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm.
Đánh giá của Chính phủ cho thấy, nền kinh tế trong tháng 7 đã có nhiều
điểm sáng, trong đó phải kể đến giá trị xuất khẩu tăng cao, kéo theo đó
là nhập siêu giảm xuống.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận thẳng thắn về những “điểm tối” đang
tồn tại trong nền kinh tế, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở
mức cao, trong tháng 7 đã tăng 1,17% so với tháng 6, nguyên nhân chủ
yếu được cho là do giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 24/7 - Ảnh: Từ Nguyên.
|
Trên cơ sở diễn biến của nền kinh tế, thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Xuân
Phúc cho hay Chính phủ chủ trương điều hành nền kinh tế theo hướng kiên
trì thực hiện Nghị quyết 11, tiếp tục thắt chặt tiền tệ, đặt mục tiêu
giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5%, đầu tư ngân sách dưới 10%.
Bên cạnh đó, Chính phủ nhấn mạnh vấn đề đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
trong nước, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo đủ nguồn
cung, tránh hiện tượng khan hàng, tăng giá. Giải quyết tốt đời sống của
người dân, coi trọng vấn đề về lương, thưởng cho người lao động.
Cũng theo ông Phúc, hiện nay tình hình lạm phát trên thế giới, đặc biệt
là Mỹ, EU và các nước thuộc nền kinh tế mới nổi như Nga, Ấn Độ, Trung
Quốc... đang rất căng thẳng và nằm trong xu hướng tăng cao. Việt Nam là
một nước hội nhập nên cũng không tránh khỏi những tác động nhất định.
Nói về vấn đề lạm phát, đang có nguy cơ tăng cao hơn trong những tháng
cuối năm, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa nhìn nhận, mục
tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 17% là rất khó đạt.
Liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất
động sản, sau khi có nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp, Phó thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, Chính phủ vẫn chủ trương
thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kiểm soát tốt các
tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với
một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản, chứng khoán ở mức thấp.
“Hiện nay, sức ép lạm phát vẫn còn gia tăng, giá cả vẫn chưa ổn định nên
chủ trương kiểm soát tín dụng, trong đó có bất động sản vẫn sẽ được
thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới, không có chuyện nới lỏng như
một số thông tin vừa qua”, ông Tiến khẳng định.
Khẳng định chủ trương trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lời, Chính
phủ sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 và Kết luận 02 của Bộ Chính
trị. Do vậy, tổng tín dụng sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, chỉ ưu tiên
cho sản xuất, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu.
“Thế giới đang có chuyển mình, song lạm phát đang ở mức cao nên trong
nước phải thực hiện nhất quán chủ trương của Chính phủ. Còn kiểm soát ở
mức bao nhiêu thì cũng khó nói chính xác. 17, 18, hay 19% là những con
số cần quan tâm. Muốn như vậy thì kiểm soát tín dụng, tài khóa, đẩy mạnh
sản xuất trong nước là rất quan trọng”, Bộ trưởng Phúc kết Luận.
Với ý nghĩa là buổi họp báo cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12, Bộ
trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã thực
hiện đúng, đầy đủ quy chế làm việc và giữ vững chế độ công tác với
phương chậm tập thể bàn bạc, Thủ tướng quyết định, một chế độ làm việc
có sự đoàn kết, nhất trí, có sự bao lót cho nhau...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ còn nhiều vấn đề
chưa giải quyết được, cụ thể là còn trên 100 vấn đề còn nợ nhân dân.
Nhiều vấn đề như dự báo kinh tế vĩ mô, điều hành quản lý đất đai, tài
nguyên, năng lượng... vẫn còn những hạn chế nhất định.
Theo VnEconomy
|