Nhiều doanh nghiệp của tập đoàn kinh tế nhà nước này đã được chuyển giao cho tập đoàn kinh tế nhà nước kia trong tình trạng “thương tật” đầy mình.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển giao về cho PVN - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Nhận cả con, cháu, nợ nần…
| | | Doanh nghiệp nào khó khăn quá thì giải thể, thanh lý. Cho tư nhân tham gia mua lại tài sản của những doanh nghiệp này, chứ không thể cứ giữ quan điểm lỗi thời là phải cổ phần hóa | | | Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành | |
|
Quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nền kinh tế VN ghi nhận nhiều trường hợp chuyển giao khó khăn cho nhau. Đó là trường hợp chuyển giao các DN, dự án của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) về Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) và Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vinashin bàn giao sang PVN và Vinalines 7 công ty con, 23 công ty cháu và 5 dự án. Hay chuyển giao Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom) thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN) sang Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel). Nguyên tắc của việc chuyển giao là nguyên trạng và cùng ngành nghề nên ngoài việc tiếp nhận toàn bộ tài sản, nguồn lực thì các đơn vị tiếp nhận còn gánh cả khoản nợ nần, thua lỗ của các công ty được chuyển giao.
Báo cáo chuyển giao DN, dự án trong tái cơ cấu DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố mới đây cho biết, sau khi tiếp nhận EVN Telecom, Viettel đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh. Đặc biệt là nợ và nhân sự, giải quyết nhiều hợp đồng cũ với các đối tác, nhất là những đối tác tham gia chương trình xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm thu phát cho EVN thuê lại. Trong đó có cả việc xử lý khối tài sản EVN Telecom đã đầu tư nhưng Viettel không có nhu cầu sử dụng.
Không chỉ khó khăn cũ tồn đọng chưa giải quyết, nhiều khó khăn mới đã phát sinh sau khi được chuyển giao. “Vì chuyển giao nguyên trạng nên chủ mới phải nhận luôn cả tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng của DN cũ; gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các khoản phải thu, phải trả… Do đó, các DN tiếp nhận phải giải quyết nhiều vấn đề tài chính của DN được chuyển giao và việc giải quyết không hề đơn giản. Tại thời điểm chuyển giao, các DN chuyển giao đang làm chủ rất nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ nên xác định giá trị các dự án dở dang gặp nhiều khó khăn”, báo cáo của CIEM nhận định.
Nhiều khoản nợ của các DN, dự án cũ chuyển từ Vinashin sang cho các DN rất lớn nhưng hồ sơ không đầy đủ. Hầu hết các hạng mục công trình xây dựng và cơ sở thiết bị chuyển từ Vinashin còn dở dang nên chưa thể phát huy vào sản xuất, thậm chí có những dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến khó khăn trong thanh quyết toán. Đặc biệt đối với khoản chênh lệch giữa dự toán và giá trị thực thanh, thực chi. Thậm chí, có những DN, dự án không thể tiếp tục hoạt động được hoặc không đáp ứng yêu cầu tiếp tục tồn tại.
Làm yếu doanh nghiệp mạnh
| | Chỉ nên áp dụng các trường hợp đặc thù Báo cáo của CIEM cho biết thêm, chuyển giao DN, dự án giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù liên quan đến bí mật ngành, bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đối với các trường hợp khác nên tiếp cận theo hướng chuyển nhượng dự án hoặc bán công khai để đảm bảo được các nguyên tắc thị trường… | |
|
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, giao DN yếu kém của tập đoàn này cho tập đoàn khác quản lý như trong thời gian vừa qua là mệnh lệnh hành chính, buộc phải tiếp nhận chứ không phải chuyển giao theo cơ chế thị trường. Thực tế, gánh nặng mà tập đoàn tiếp nhận các DN, dự án là rất lớn và đầy khó khăn. “DN nào khó khăn quá thì giải thể, thanh lý. Cho tư nhân tham gia mua lại tài sản của những DN này, chứ không thể cứ giữ quan điểm lỗi thời là phải cổ phần hóa. Bởi cổ phần hóa mà nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì tư nhân khó có quyền cấu trúc lại DN”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cũng cho rằng, nhà nước nên xem xét tình trạng của từng DN được chuyển giao. Những DN quá yếu kém mà không hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng của đất nước thì nên giải thể, phá sản. Vì nếu duy ý chí cố gắng tái cấu trúc sẽ tốn kém chi phí rất nhiều, mà cuối cùng không đạt được kết quả. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN yếu kém vẫn đang được các tập đoàn tiếp nhận quản lý và cứu chữa. Để tránh "lây bệnh", làm suy yếu các DN khác ở tập đoàn tiếp nhận, cần rạch ròi trong quản lý. DN chuyển giao phải có pháp nhân riêng biệt, độc lập. Đến lúc nào đó không thể đứng nổi nữa, phải thoái vốn, bán đi. “Đây là quyết định không hề khó khăn để khỏi ảnh hưởng đến các DNNN khác”, ông Thành nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà từng nhiều lần đề xuất không nên chuyển giao các DN yếu kém sang các tập đoàn khác. Vì làm như thế chẳng khác nào đẩy các tập đoàn đang lành mạnh trở nên yếu hơn khi phải tiếp nhận các DN thua lỗ; còn các tập đoàn vốn đã yếu, giờ phải chấp nhận yếu nhân đôi. “Giải pháp này không giải quyết được các vấn đề cốt lõi của kinh tế. Những DN yếu kém nên được đem đi bán…”, bà Lan phát biểu.
Bà Lan cho rằng, việc chuyển giao DN như thế không được coi là tái cơ cấu DNNN, đó chỉ là giải pháp tình thế, bí quá đành đẩy qua tập đoàn khác mà thôi.
N.Trần Tâm