|
Ngân hàng tìm cách khơi thông tín dụng cuối năm. Ảnh: Lệ Chi. |
Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) đã dành 20 triệu USD cho vay với lãi suất chỉ 3% một năm. Ngoài ra, nhà băng này còn đưa ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 8% dành cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8% một năm cho các khoản vay của khách hàng doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1/10 đến 31/12/2013.
Trong khi đó, Techcombank hướng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mức lãi suất từ 8,2% một năm đối với tiền đồng và từ 3,8% một năm đối với USD kéo dài đến cuối năm.
Tương tự, OceanBank đang công bố lãi suất vay vốn dành cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014, với lãi suất cho vay 8,5% một năm. Sacombank cũng dành hơn 1.200 tỷ đồng để cung ứng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014...
Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,82%, hoàn thành hơn 50% kế hoạch. Để đạt được mục tiêu cả năm, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải ở mức 1,7% mỗi tháng. Do vậy, đây là thời điểm các ngân hàng tích cực tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm tăng tốc cuộc đua tín dụng cuối năm.
Trong báo cáo tuần 14-18/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... ở mức thấp 7-9% một năm.
Đối với lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng chỉ dao động 9-10,5% một năm; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các nhà băng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7% một năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho hay, nếu như trước đây, ngân hàng giảm lãi suất được coi là động thái để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì các đợt giảm lãi suất lần này còn để ngân hàng tự cứu mình.
Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình Phạm Duy Hiếu đã chia sẻ trong một cuộc họp mới đây rằng, lượng vốn nhà băng hiện khá dư thừa, nếu không giải quyết tình trạng ứ vốn thì sẽ cực kỳ khó khăn cho các ngân hàng. Ông cho biết, dư nợ của nhà băng hiện tăng 20% chủ yếu với các khách hàng cũ, còn mới thì gần như không có. Tuy nhiên, khơi thông dòng vốn vẫn là bài toán nan giải trong bối cảnh sức cầu yếu, doanh nghiệp chẳng tha thiết mở rộng kinh doanh. Hiện phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn. Nếu muốn đẩy tín dụng chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể.
Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu là tốt, nhưng không phải vì thế mà bất chấp mở rộng các điều kiện cho vay. "Ngân hàng có thể cân nhắc để giảm lãi suất nhằm hút khách nhưng điều kiện thì vẫn phải xét duyệt kỹ để tránh vòng luẩn quẩn nợ xấu", ông nói.
Khuyến cáo của vị chuyên gia trên đã được nhiều nhà băng "đề cao cảnh giác". Đại diện Ngân hàng Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) bộc bạch, tín dụng tại nhà băng tới tháng 9 mới đạt 5,4% nhưng MHB vẫn không dám tăng trưởng nóng, bởi "có những doanh nghiệp cũ nợ đầm đìa, nếu bơm vốn vào mà họ chết luôn thì sẽ rất nguy hiểm".
Hơn nữa, lãi suất hiện nay không còn là vấn đề với doanh nghiệp nữa, mà mấu chốt nằm ở đầu ra. Theo lãnh đạo Sacombank, nhiều khi lãi suất 6% một năm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay vì họ đã tự cân đối nguồn vốn tự có để sản xuất.
Nút thắt tín dụng vẫn chưa được khơi thông nhưng phần lớn lãnh đạo ngân hàng hy vọng sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra. Bởi theo nhận định của họ, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn nhưng đã dần phục hồi. Đặc biệt, nhu cầu vốn cuối năm thường tăng cao nên dư nợ trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Lệ Thanh