Nhà đầu tư mắc kẹt với cổ phiếu hủy niêm yết Nhà đầu tư mắc kẹt với cổ phiếu hủy niêm yết
Từ ngày 1/3, cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ có cơ chế giao
dịch riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng quy định mới chỉ hỗ
trợ mặt kỹ thuật mà chưa giúp bảo vệ họ.
Năm 2012, đã có hơn 20 công ty bị hủy niêm yết trên cả
2 Sở giao dịch chứng khoán. Dự báo, năm 2013, danh sách công ty bị hủy
niêm yết sẽ còn nối dài khi mà nhiều công ty tiếp tục báo lỗ.
Cụ thể, một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư
và xây dựng điện Mêca Vneco (mã VES - HOSE), Công ty Cổ phần Hàng Hải
Đông Đô (mã DDM-HOSE), Công ty Cổ phần Container Phía Nam (mã VSG-HOSE),
Công ty Cổ phần Hàng Hải Sài Gòn (mã SHC-HNX)... có khả năng bị hủy
niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp hoặc mức lỗ vượt vốn điều lệ.
|
Nhiều cổ phiếu chưa giao dịch ngày nào đã bị hủy niêm yết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, có trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp chưa
giao dịch ngày nào đã bị hủy niêm yết do chưa hoàn tất thủ tục như Công
ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ (PSE), Công ty Cổ
phần Đầu tư và Xây dựng HUD4 (HU4).
Với các doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc
chưa giao dịch đã bị hủy niêm yết thì các cổ đông nhỏ sẽ chịu thiệt hại
rất lớn, do khó chuyển hóa cổ phiếu thành tiền. Để bảo vệ quyền lợi cho
cổ đông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty bị hủy niêm
yết chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục
giao dịch cổ phiếu tại đây, tuy nhiên, một số công ty đã làm chậm quá
trình này.
Ví dụ, với trường hợp của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa
(VKP), sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE từ tháng 6/2012, công
ty này không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 cũng như 6
tháng đầu năm 2012, khiến cổ đông hoàn toàn không có thông tin gì về
công ty. Phải đến cuối tháng 1/2013, VKP mới thông báo tổ chức đại hội
cổ đông bất thường để bàn về phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, cả 2 lần
triệu tập, tỷ lệ cổ đông tham gia không đủ theo quy định, đến nay, VKP
vẫn chưa giao dịch trên UPCoM.
Để tháo gỡ khó khăn, từ 1/3/2013, Ủy ban Chứng khoán
Nhà nước cho phép nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của các công ty đại chúng
bị hủy niêm yết và các cổ phiếu đã lưu ký nhưng chưa niêm yết nếu tìm
được người mua chứng khoán có thể đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu
tại công ty chứng khoán đang mở tài khoản. Trong thời gian 5 ngày làm
việc, nhà đầu tư sẽ nhận được quyết định có hay không cho phép chuyển
nhượng cổ phiếu đã bị hủy niêm yết từ Trung tâm Lưu ký.
Trước đó, cổ phiếu bị hủy niêm yết hoặc chưa niêm yết
vẫn được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, nhưng nếu muốn chuyển
nhượng, nhà đầu tư sẽ phải làm rất nhiều thủ tục xin phép cơ quan chức
năng. Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, biện pháp tháo gỡ này vẫn chưa
giải quyết được hoàn toàn vấn đề.
Một nhà đầu tư trên sàn HOSE cho biết, với những cổ
phiếu bị hủy niêm yết mà chưa chuyển sang giao dịch trên UPCoM thì Quyết
định 56 chỉ giúp giải quyết về mặt thủ tục trong quá trình giao dịch,
còn điều khó nhất là tìm người nhận chuyển nhượng thì vẫn do phía cổ
đông.
“Bản chất của sàn giao dịch chứng khoán (HOSE, HNX hay
UPCoM) là nơi tập trung người mua và người bán cổ phiếu, đồng thời có
một hệ thống thông báo giá cả cũng như công bố thông tin theo quy định
để có thể quyết định thực hiện giao dịch. Song, khi cổ phiếu không giao
dịch tại đây, nhà đầu tư sẽ phải tự tìm đến với nhau, chi phí của việc
tìm kiếm và kết nối giao dịch khá lớn”, vị này nói.
Một cổ đông nắm cổ phiếu VSG chia sẻ, quyết định mới
chỉ giúp rút ngắn thời gian và chi phí đi làm các thủ tục chuyển nhượng,
nhưng khó làm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu bởi không có biện pháp
hỗ trợ kết nối người bán và mua cổ phiếu cũng như hướng dẫn về giá
chuyển nhượng. Do vậy, ông vẫn cố bán hết cổ phiếu này ở trên sàn trước
khi bị hủy yết.
Chia sẻ quan điểm này nhân viên môi giới của Công ty
Chứng khoán SSI cho rằng, quy định mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
chỉ khiến cổ đông dễ dàng hơn khi làm các thủ tục với Trung tâm Lưu ký
do có công ty chứng khoán đứng sau hỗ trợ, nhưng việc tìm người mua và
thỏa thuận giá vẫn hoàn toàn do phía nhà đầu tư.
Trước vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông các
công ty bị hủy niêm yết, ngoài quyết định 56, ông Nguyễn Hoàng Giang,
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đề xuất, Ủy ban Chứng
khoán cần có thêm quy định bắt buộc các công ty này đưa cổ phiếu lên
giao dịch ngay trên UPCoM sau khi bị hủy niêm yết, từ đó nhà đầu tư có
thể chuyển nhượng được cổ phiếu, thông tin của các công ty đại chúng
cũng minh bạch hơn.
Huyền Thư
|