700 doanh nghiệp bất động sản giải thể 700 doanh nghiệp bất động sản giải thể
Tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản trong nước giải thể,
ngừng hoạt động trong năm 2012 tăng gần 20% so với năm trước. Trong khi
đó, vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực này.
Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Ủy ban Kinh
tế Ngân sách ngày 24/1, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay
đều làm ăn thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản, hàng tồn kho lớn. Theo
số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm
2012 có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản
đăng ký giải thể, ngừng hoạt động. Con số này tăng 19,9% so với 576
doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011.
Tính đến ngày 15/12/2012 đã có gần 390 dự án đầu tư
nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng đầu tư
49,8 tỷ đôla, trong đó đã có 85 dự án giải thể và 5 dự án hết hạn với
tổng đầu tư 5 tỷ đôla. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản
chiếm khoảng 23,32% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
TP HCM tập trung nhiều dự án bất động sản có vốn FDI
nhiều nhất với 12,4 tỷ đôla, tiếp đến là Hà Nội, Vũng Tàu, Phú Yên, Bình
Dương.... Đối tác nước ngoài lớn nhất là Singapore với 55 dự án, tổng
mức đầu tư 8,6 tỷ đôla.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đa số vốn nước ngoài
tập trung vào bất động sản cao cấp như khách sạn, nghĩ dưỡng, căn hộ.
Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản cao cấp đang gặp khó. Một
số dự án bất động sản có quy mô trên 100 ha và vốn đăng ký trên 1 tỷ
đôla được cấp phép đầu tư từ năm 2008-2009 những vẫn chưa triển khai và
bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhiều
nhà đầu tư, khiến một số dự án tỷ đô bị rút giấy phép. Tiêu biểu như dự
án khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng tại Quảng Nam rộng 400ha có vốn
đăng ký 3,15 tỷ USD; Dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa tại Phú Yên có
vốn đăng ký 11,4 tỷ đôla, diện tích 5.600 ha; dự án công viên phần mềm
Thủ Thiêm có vốn 1,2 tỷ đôla, dự án Khu công viên văn hóa thế giới kỳ
diệu tại Bà Rịa Vũng Tàu có vốn 1,2 tỷ đôla, diện tích 130 ha.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ cần nghiên
cứu ban hành quy định để quản lý và hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài
lách luật trong việc chuyển nhượng dự án thông qua việc chuyển nhượng
doanh nghiệp. Bộ đề xuất cần xây dựng cơ chế để hạn chế tình trạng dự án
FDI đăng ký vốn cao nhưng giải ngân thấp.
Hoàng Lan
|