Theo các ý kiến góp ý dự thảo, có đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật có liên quan, rà soát, hủy bỏ những nội dung trái với quy định của Luật này để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Luật cần có phương án xử lý những quy hoạch đã được phê duyệt khi Luật này có hiệu lực.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, theo báo cáo của các cơ quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch nhằm phù hợp với dự án Luật quy hoạch này (quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật).
Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật quy hoạch sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2019.
Với những quy hoạch hiện hành, có ý kiến nều cần bổ sung quy định giao cho Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng với lộ trình phù hợp nhằm từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để tiến tới năm 2020 có thể thực thi được đồng bộ các quy hoạch theo Luật quy hoạch.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, hiện các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch đã được quy định tại Điều 68 như sau:
- Đối với các quy hoạch được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 của Luật quy hoạch thì sẽ thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; nếu nội dung của quy hoạch đó không còn phù hợp với quy định của Luật này thì phải điều chỉnh theo quy định của Luật.
- Đối với những quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch được quy định tại Điều 5 của Luật quy hoạch thì được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020;
- Các quy hoạch không được tích hợp và không thuộc một trong những quy hoạch được quy định tại Điều 5 của Luật quy hoạch hết hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trừ các quy hoạch quy định tại khoản 3 Điều 23, khoản 3 Điều 24, khoản 6 Điều 26, khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28 của Luật quy hoạch, thì được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Cùng với đó, quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật cũng giao Chính phủ tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật nhằm bảo đảm phù hợp với Luật quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất vào ngày 01/01/2019.
Ngoài ra, để bảo đảm kịp tiến độ chuẩn bị cho công tác xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế – xã hội của các địa phương giai đoạn 2021-2030, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tiến hành các bước chuẩn bị cho công tác quy hoạch theo quy định và chỉ được phê duyệt các quy hoạch phù hợp với quy định của Luật này trong thời gian Luật quy hoạch chưa có hiệu lực.