Phó Giám đốc Sở
TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, ngoài quỹ đất 20% của các dự
án phát triển nhà ở, thành phố sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất vi phạm đã
bị thu hồi trong thời gian qua để đưa vào sử dụng cho phát triển nhà ở
xã hội.
Nhà thu nhập thấp giá rẻ khó thành hiện thực
Xã hội hóa theo kiểu "đổi hạ tầng lấy hạ tầng”?
Tại buổi làm việc với TP Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn
Trần Nam cho biết, trong ngay năm nay, nhiều vài dự án nhà ở xã hội sẽ
được khởi công ngay trong quý IV. Theo đó, một số dự án đã có đủ điều
kiện để triển khai với quỹ đất có sẵn sẽ được hỗ trợ về vốn từ nguồn
ngân sách và khoản vay ngân hàng với lãi suất đặc biệt ưu đãi. Cụ thể,
Bộ Xây dựng đã ký nguyên tắc với ngân hàng BIDV, xem xét cho vay đối với
7 dự án nhà ở xã hội. Về cơ chế chính sách, trong tháng tới, Bộ Xây
dựng sẽ trình Chính phủ nghị định mới về phát triển nhà ở xã hội, với
các giải pháp, cơ chế mới, cụ thể hóa từ các Nghị định của Chính phủ
liên quan đến nhà ở xã hội. Những khó khăn về vốn, vướng mắc về đất đai,
giải phóng mặt bằng, đền bù… đã và đang được giải quyết triệt để, với
mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hạ giá thành của nhà ở xã hội.
Quyết tâm tạo ra các căn hộ với giá bán chỉ từ 300 - 500 triệu đồng/căn,
đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cũng như đáp ứng được khả năng mua nhà của
người có thu nhập thấp.
Song, qua trao đổi với một số doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận nguồn vốn
cho xây dựng nhà ở xã hội hiện nay rất khó khăn. Nhiều đơn vị sau khi
tính toán lợi ích kinh tế đã từ chối tham gia dự án, với lý do không đem
tới lợi nhuận. Điều này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng thừa
nhận khi cho rằng, không nên quá hy vọng vào các nguồn thu từ chuyển
đổi sử dụng đất. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA cũng rất khó tiếp cận, vì
vậy chỉ có thể trông chờ vào xã hội hóa. "Các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế có thể tham gia vào các chương trình dự án nhà ở xã
hội. Bên cạnh các chính sách mới có lợi hơn, TP sẽ tạo điều kiện để các
doanh nghiệp tham gia vào các chương trình khác để hoàn vốn và có lãi.
Nhà ở xã hội mục đích vì dân sinh nên không thể như các dự án nhà ở
thương mại khác”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
Có thể hiểu được, xây nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia sẽ không
có thể hy vọng vào lợi nhuận từ đó. Bù lại, họ sẽ được chấp thuận những
dự án có lợi hơn, thậm chí cả những "giá trị vô hình”. Qua tìm hiểu,
hiện nay, các doanh nghiệp được "chỉ định” tham gia vào các dự án nhà ở
xã hội đều là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng lớn của Hà Nội.
Khó khả thi
Một doanh nghiệp xây dựng cho biết, nhà ở xã hội có giá 300 đến 500
triệu đồng/ căn chỉ có thể thực hiện được khi đơn vị thầu nhận được mặt
bằng sạch, giá nguyên vật liệu xây dựng giảm nhiệt, không phải "chạy dự
án”, không phải lo tiền "lobby” và tiền lo "thủ tục”. Tất nhiên, hiện
nay cả 5 yếu tố này đều không thể thực hiện, do vậy mức giá mong ước
trên thực sự quá xa rời thực tế. Chỉ lấy một trong 5 yếu tố liên quan
đến xây dựng làm ví dụ, đó là giá cả nguyên vật liệu. Xi măng, sắt thép,
gạch men… đều tăng chóng mặt. Từ khi lập kế hoạch dự án đến khi triển
khai dự án, giá cả đã cách nhau một trời một vực. Công tác điều chỉnh
sau đó khó thực hiện, nếu tính chi ly nhất, giá một căn hộ không lãi sẽ
rơi vào khoảng 720 triệu đến 820 triệu đồng/căn. Các doanh nghiệp sẽ
không thể làm tốt hơn trong thời buổi lạm phát hiện nay.
Đồng tình quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ
cho rằng, căn hộ có giá thấp khi được sử dụng toàn bộ là tiền ngân sách.
Còn nếu xã hội hóa, tức có sự tham gia của doanh nghiệp, nếu không có
lợi chắc chăn họ sẽ bỏ cuộc.