Chi phí lobby không kém tiền mua đất?
Trò chuyện với phóng viên, ông H - Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp vừa được thông báo sẽ bị thu hồi 10.000 m2 đất tại một huyện ngoại thành không giấu được lo âu.
Ông H ngậm ngùi cho biết, giá mua mảnh đất trên hợp đồng thời kỳ đó chỉ
bằng một phần nhỏ số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra cho thương vụ này. Ông H
chia sẻ: “Để có mảnh đất có vị trí đẹp như vậy làm nhà xưởng, lại sẵn
hạ tầng, riêng chuyện lo thủ tục giấy tờ tốn không ít thời gian và
tiền”.
Theo ông H, việc xin đất, lo dự án đều có luật và có giá. Năm 2008, một
ha đất tại vùng ngoại thành, đã có hạ tầng chi phí khoảng 10 tỷ đồng,
một ha tại vùng chưa có hạ tầng là 5 tỷ đồng.
Nhưng không phải cứ có tiền là xin được “đất ngon” bởi doanh nghiệp
phải có quan hệ cũng như “chịu chơi” chịu chi. “Có ngày phải nhậu 5 lần
với quan chức. Nhiều lúc say trên bàn tiệc nhưng cũng phải cố để chiều
lòng”, ông H nói.
Ông P - Giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng lo lắng hơn nhiều lần
khi diện tích đất nằm trong danh sách bị thu hồi lên đến trên 20.000 m2
tại một huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ).
Năm 2007, Cty được bàn giao đất sạch với khoản tài chính đất đai chưa
đến 1 tỷ đồng, nhưng đằng sau đó là những khoản chi phí vô hình để sở
hữu được mảnh đất này.
Ông P ngậm ngùi: “Nếu tính ra thời điểm đó mỗi m2 đất của dự án lên đến
2 triệu/m2 thì toàn bộ diện tích của dự án cũng rơi vào tầm 5 - 7 tỷ
đồng chi phí cho lót tay các cửa”.
Chính quyền chưa nghiêm
Cũng thời điểm này, ông H đang phải chạy đôn đáo các sở ban ngành của
thành phố để lo giải quyết vụ thu hồi đất của doanh nghiệp.
Ông H thừa nhận việc mua lại 10.000 m2
đất của một doanh nghiệp là vi phạm Luật Đất đai giống như trong kiến
nghị của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội song có một điều doanh
nghiệp này đã chỉ ra rất đáng suy ngẫm: “Thời điểm đó chính quyền cũng
ký xác nhận nên không thể đổ lỗi hết cho doanh nghiệp được(?!)”.
Nói lại câu chuyện vị chủ doanh nghiệp không giấu được sự mệt mỏi khi
phải đi lại bao lần đến Sở Xây dựng trình bày nhưng không được. Ở Hà Nội
nếu xét chi li thì nhiều doanh nghiệp vi phạm tương tự nhưng không bị
xử lý. Thậm chí có dự án đã xin gia hạn đến lần thứ 3 vẫn chưa thực hiện
cũng chả sao(?).
“Chi
phí bôi trơn là chi phí gì? Nhà nước có quy định chi phí bôi trơn đâu
mà đòi bồi thường. Thêm nữa, chẳng ai xác nhận, cũng như chẳng có quy
định nào cho phép những chi phí đó, nên không thể đòi bồi thường”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa
|
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc
thu hồi đất thì những chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra được giải quyết thế
nào, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường
Hà Nội nói: “Việc thu hồi đất các dự án do doanh nghiệp để hoang quá lâu
nên dân kêu. Với doanh nghiệp đã đầu tư rồi, nếu nhà nước thu thì sẽ
được bồi hoàn chi phí đó”. Về những chi phí không có trong quy định,
theo ông Nghĩa "làm sao đòi nhà nước bồi hoàn được”.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vừa có văn bản trình UBND thành phố về
việc thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai và các quy định khác trên
địa bàn... Tổng diện tích bị đề nghị thu hồi khoảng 820 ha.