Đối với người thuộc diện
được mua nhà thu nhập thấp thì quá trình gần hai năm qua, từ ngày chủ
đầu tư bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua nhà đến ngày được bàn giao sản
phẩm là một chuỗi tâm trạng phấp phỏng, lo âu. Không ít những lời chia
sẻ, động viên, an ủi nhau "kiên trì", "cố lên" trong cộng đồng những
người mua nhà thu nhập thấp. Tuy vậy, nhiều trường hợp vẫn quyết định
"bỏ của chạy lấy người" dù đoạn đường tới đích không còn bao xa.
Nước mắt trên đường trường săn đón
Trông ngóng thông tin của chủ đầu tư để nộp hồ sơ, hồi hộp săn đón kết
quả bốc thăm căn hộ, rồi lo âu xoay tiền gấp đóng tiến độ... là những
trăn trở chung của những người thuộc diện lần đầu tiên mua nhà thu nhập
thấp.
Trên một diễn đàn của các bậc phụ huynh, thành viên tên mẹ bé Sơn - một
công chức nhà nước, chia sẻ câu chuyện vất vả cùng cực trong hoàn thiện
thủ tục giấy tờ chạy theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ chỗ lòng vui phơi
phới đến chỗ uất ức khóc ròng vì khó khăn khi đi đăng ký mua nhà thu
nhập thấp tại dự án đầu tiên và "hot" nhất hồi cuối năm 2009 là CT1 Ngô
Thì Nhậm (Hà Đông).
Số là gia đình nhỏ ba người của chị nhập khẩu nhờ vào nhà bác (đã có 9
người) tại một quận nội thành Hà Nội. Nhân đợt dự án đầu tiên, hai vợ
chồng sốt sắng làm hồ sơ theo quy định, lên phường xin xác nhận mình
đang ở nhờ, chưa có nhà ở, thu nhập cực thấp. Thủ tục xong xuôi, họ hớn
hở vượt gần 40km lên Xuân Mai nộp hồ sơ, kết quả đầu tiên là không hợp
lệ.
Tại đây, được nhân viên hướng dẫn, họ về kê khai làm lại xác nhận liên
quan đến chuyện chưa tách khẩu, hôm sau cả hai lại hồ hởi lên đường nộp
hồ sơ, thì cuối cùng cũng vẫn không được chấp nhận. Lý do mà đại diện
chủ đầu tư đưa ra là: "Người ở nhà thuê mới là không có nhà, còn ở nhờ
vẫn là có nhà".
Tranh luận một hồi, cuối cùng, phía doanh nghiệp khẳng định hồ sơ của
nhà chị hoàn toàn đúng nhưng điểm sẽ không cao. Giữa bối cảnh người
người đổ xô mua nhà giá 8 triệu đồng/m2 tại dự án Ngô Thì Nhậm, mô tả
cảm giác lúc ấy, chị than thở: "Tôi rất bức xúc. Nộp hồ sơ xong mà trong
lòng không thoải mái... Thu nhập thấp khổ quá là khổ!".
Chỉ nửa năm sau, tháng 7/2011, lần lượt các dự án khác triển khai bán
nhà thu nhập thấp, thị trường có dấu hiệu bớt sốt vì giá hầu hết toàn
hơn 10 triệu đồng/m2. Trên một diễn đàn của những thành viên mua nhà thu
nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm), phần đa các trường hợp bốc được căn hộ to
đẹp không thấy mừng mà lại càng thêm lo.
|
Chị Nguyễn Thị Hồng bốc
thăm đợt 2 được căn góc tầng 3 (69,9m2) chia sẻ cảnh ngộ, do dự án đóng
tiền quá gấp, trong vòng 6 tháng đã phải đóng đủ 70% (3/4 đợt). Không đủ
tiền, chị muốn đổi sang căn nhỏ nhất là 57,9m2.
Trước đó, chị đã hỏi mấy ngân hàng cho người thu nhập thấp vay mua nhà
theo thông tư số 18/2009/NHNN nhưng chẳng ngân hàng nào đang thực hiện.
Techcombank, ACB cũng cho vay mua nhà nhưng vẫn phải thế chấp và lãi
suất 23-24%/năm. "Có lẽ tình hình này lại vẫn phải đi thuê nhà thôi",
chị Hồng bế tắc.
Thành viên khác có tên Dung góp dòng tâm sự nặng trĩu: "Tôi cũng đi bốc
được phòng 1201 D1 57,95m2. Ai có thể đổi cho tôi tầng thấp hơn và nhỏ
hơn một chút không? Bởi nếu không đổi được chắc nhà tôi không mua nữa.
Buồn quá cơ".
Nghỉ mua nhà, vẫn dài cổ chờ rút tiền về
Bùi ngùi nhất có lẽ là câu chuyện của thành viên có nick name FTTS -
một người khởi xướng và theo sát chủ đề mua nhà thu nhập thấp Đặng Xá
trong một diễn đàn lớn trên mạng internet. Từ chỗ hồi hộp sốt sắng tìm
mọi cách để được cơ hội mua căn hộ, huy động vay mượn các nguồn lực và
động viên các thành viên khác giữ vững lập trường mua nhà, đến khi chỉ
còn nửa năm nữa là sản phẩm bàn giao, bỗng dưng FTTS tuyên bố đã thanh
lý hợp đồng, từ bỏ ước mơ có nhà ở đất Hà Nội trong tiếc nuối.
Đó là thời điểm quý IV/2011 khi dự án Đặng Xá đã vào đợt đóng tiền lần
thứ 3 (đóng được 70% giá trị). Rất nhiều người không xoay sở nổi, nhẹ
thì lên xin chủ đầu tư cho hoãn, gia hạn đóng tiền đợt 3, thậm chí có
những trường hợp còn chưa đóng tiền đợt 1, đợt 2, vẫn lên xin gia hạn.
Khó khăn hơn, nhiều hộ lên xin thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, các hộ này
chưa thể lấy lại toàn bộ số tiền đã đóng bởi chủ đầu tư chưa bán được
căn hộ cho người khác.
Một trường hợp ở vào tình thế "bỏ thì thương, vương thì tội" nêu ý kiến
cân nhắc: "Mình nghĩ nên cố theo đuổi vì nếu rút ra, mà nhà thì bán
chậm, phải đợi chủ đầu tư bán được mới trả lại tiền. Giờ chủ đầu tư còn
những 200 căn, những căn thanh lý họ sẽ cho vào hòm bốc thăm, nếu có ai
mua căn của bạn và ký hợp đồng đóng tiền hết theo tiến độ thì chủ đầu tư
mới trả lại. Khi đó, họ lại trừ đầu trừ đuôi do việc mình chấm dứt hợp
đồng, như nhà thu nhập thấp ở Sài đồng bị phạt 5% giá trị hợp đồng nếu
bỏ giữa chừng".
Mặc dầu vậy, không phải ai cũng muốn cố là được. Cũng như FTTS, thành
viên có tên Anchi1011 cho hay, do không đủ tiền tiếp tục đóng tiến độ,
gia đình đã đi thanh lý căn hộ 0807 A3-D2. Câu hỏi sốt sắng: "Đã có nhà
nào tương tự nhận được tiền đã đóng các đợt từ chủ đầu tư sau khi thanh
lý hợp đồng hay chưa?" của thành viên này không nhận được một phản hồi
nào.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 6 dự án nhà thu nhập thấp (Kiến Hưng - Hà
Đông; Sài Đồng - Long Biên; Đặng Xá - Gia Lâm; Đại Mỗ - Từ Liêm và CT1
Khu dân cư Ngô Thì Nhậm - Hà Đông) với tổng số 3.750 căn hộ đã và đang
ra hàng. Tuy nhiên cho đến giờ, chỉ có duy nhất trên 300 căn hộ thuộc dự
án CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông đã bán hết ngay từ đợt đầu.
Các dự án còn lại với mức giá từ 10-13 triệu đồng/m2 thì tình trạng
chung từ năm ngoái đến nay là rất lay lắt, chật vật qua nhiều đợt bán
hàng. Dự án ít cũng đang tồn đọng khoảng 20% căn hộ chưa bán được, nhiều
cũng phải lên tới 30-40%.
Trong số này cũng phải kể đến làn sóng rút hồ sơ, thanh lý hợp đồng mua
nhà rầm rộ thời điểm cuối năm ngoái khiến nhà thu nhập thấp đã vắng
khách lại càng thêm tồn đọng. Cộng với nhiều khách hàng trây ỳ, khất nợ,
có chủ đầu tư nhà thu nhập thấp tại Hà Nội tìm cách bán vài trăm căn hộ
còn lại cho cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, có doanh nghiệp
từng tính nước xin chuyển bớt số căn hộ thừa ế sang nhà phục vụ tái định
cư, còn tại Huế, có đơn vị xin chuyển nhà thu nhập thấp sang nhà ở bán
theo kiểu thương mại...