10 hãng công nghệ giá trị nhất thế giới Dựa trên dữ liệu của Google Finance, Business Insider
đã chọn ra danh sách những hãng công nghệ giá trị nhất thế giới. Tuy
nhiên, khảo sát này chỉ xét các công ty chủ yếu bán cho khách hàng doanh
nghiệp và không bao gồm các hãng có sản phẩm nhắm đến người dùng cá
nhân. Vì vậy, cả Apple, Facebook hay Google đều không có tên trong này.
1. Microsoft
Giá trị vốn hóa: 254 tỷ USD
Microsoft kiếm được phần lớn nhờ bán phần mềm cho
doanh nghiệp. Bộ phận Máy chủ - công cụ và Doanh nghiệp của Microsoft
mang lại hơn nửa doanh thu và phần lớn lợi nhuận cho hãng.
Cơ hội: Hướng các doanh nghiệp cỡ trung vào điện toán đám mây với các dịch vụ như Office 365 và Azure.
Thách thức: Thuyết phục các công ty sử dụng thiết bị
di động của Microsoft và các nhà phát triển để viết ứng dụng cho hệ điều
hành Windows 8.
2. IBM
Giá trị vốn hóa: 229 tỷ USD
IBM sản xuất gần như tất cả mọi thứ: máy chủ, đĩa,
thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, công cụ phát triển phần mềm, ứng dụng
cho máy chủ và dữ liệu.
Cơ hội: Dữ liệu lớn. Không một công ty nào có công
nghệ phức tạp như IBM Watson, cổ máy sử dụng ngôn ngữ gần như con người.
Watson đang được ứng dụng trong y tế, nhưng có khả năng sẽ tiến xa hơn
nữa.
Thách thức: Điện toán đám mây. IBM là một trong những
công ty bán công nghệ này cho các doanh nghiệp sớm nhất. Một năm trước,
hãng này khẳng định có tới 80% doanh nghiệp trong Fortune 500 dùng công
nghệ của IBM. Tuy nhiên, điện toán đám mây vẫn trong giai đoạn đầu và
gần đây, HP, Red Hat, Verizon cũng bắt đầu nhảy vào thị trường này.
3. Oracle
Giá trị vốn hóa: 154 tỷ USD
Oracle bán rất nhiều sản phẩm cả phần cứng lẫn phần mềm.
Cơ hội: Hệ thống điện toán đám mây riêng. Oracle muốn được biết đến như một Apple trong lĩnh vực lưu trữ thông tin.
Thách thức: Phần cứng của Sun Microsystem xây dựng
trên chip SPARC. Các công ty lại đang chuyển từ máy chủ chạy Unix của
Solar sang máy chủ giá rẻ của Intel chạy trên nền Linux.
4. Cisco Systems
Giá trị vốn hóa: 94 tỷ USD
Cisco Systems sản xuất các thiết bị mạng nhưng cũng bán các phần mềm liên kết như WebEx.
Cơ hội: Bán các hệ thống hội tụ như mạng, máy chủ và
thiết bị lưu trữ cho trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp. Cisco vừa
hợp tác với EMC và SAP để bán ứng dụng HANA nổi tiếng của SAP trên máy
chủ của Cisco.
Thách thức: Mạng điều khiển bằng phần mềm là công nghệ
mới cạnh tranh với thiết bị của Cisco. Cisco đang áp dụng hai chiến
lược để đối phó. Một là nghĩ ra công nghệ hoàn toàn mới và hai là mở cửa
phần mềm hệ thống điều hành mạng cho các nhà phát triển ứng dụng.
5. Siemens
Giá trị vốn hóa: 80 tỷ USD
Siemens là công ty sản xuất thiết bị điện tử. Trong
phân khúc doanh nghiệp, hãng này nổi tiếng nhất với phần cứng điện thoại
và các phần mềm truyền thông, đặc biệt là tổng đài.
Cơ hội: Siemens là người khổng lồ với thị phần vững chắc tại các nước mới nổi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Thách thức: Đối tác lớn của Siemens là Nokia đang
trong tình trạng khó khăn. Cả hai đang điều hành mạng Nokia Siemens
Network bán các thiết bị viễn thông cho doanh nghiệp lớn.
6. SAP
Giá trị vốn hóa: 77 tỷ USD
SAP là hãng chuyên bán phần mềm. Sản phẩm nổi tiếng
nhất là phần mềm quản trị tài nguyên doanh nghiệp về cả tài chính, nhân
sự và kinh doanh.
Cơ hội: Sản phẩm đang nổi của công ty là Ứng dụng công
nghệ bộ nhớ trong HANA. SAP vừa ký hợp đồng với Cisco và EMC để bán các
máy chủ của Cisco có tích hợp HANA cho các doanh nghiệp.
Thách thức: SAP tiêu tốn hàng tỷ USD để mua hai hãng
điện toán đám mây SuccessFactors và Ariba nhằm chuyển đổi sang công ty
dựa vào dịch vụ đám mây.
7. EMC
Giá trị vốn hóa: 56 tỷ USD
EMC nổi tiếng với công nghệ lưu trữ, nhưng họ cũng có sản phẩm dành cho doanh nghiệp như hệ thống quản lý tài liệu.
Cơ hội: EMC là cổ đông lớn nhất của VMware. VMware sản xuất các phần mềm giúp công ty này tăng hiệu quả sử dụng máy chủ.
Thách thức: VMware đang cố hất cẳng Cisco ra khỏi phân
khúc mạng doanh nghiệp. Còn EMC thì lại mắc kẹt ở giữa khi Cisco là đối
tác của EMC và EMC bán cho Cisco các sản phẩm phần cứng tích hợp phần
mềm của VMware.
8. VMware
Giá trị vốn hóa: 40 tỷ USD
VMware thiết kế phần mềm ảo cho phép các công ty chạy
nhiều ứng dụng hơn trên máy chủ. Việc này thành công đến nỗi CEO Paul
Maritz chuẩn bị nhậm chức Giám đốc chiến lược tại công ty mẹ EMC. Còn
Phó giám đốc EMC phụ trách quan hệ với Cisco - Pat Gelsinger lại tiếp
quản vị trí CEO của VMware.
Cơ hội: Mạng điều khiển bằng phần mềm (Software
Defined Network). VMware vừa mua Nicira với giá 1,26 tỷ USD vì công nghệ
của họ có thể phục vụ hệ thống mạng mà phần mềm ban đầu của VMware
thiết kế cho máy chủ.
Thách thức: Cisco sẽ không cho phép VMware nhúng tay vào lĩnh vực mạng doanh nghiệp của hãng này.
9. Hewlett-Packard
Giá trị vốn hóa: 38 tỷ USD
HP sản xuất máy tính để bàn, máy in, máy chủ, thiết bị mạng, quản lý hệ thống, dịch vụ điện toán đám mây và tư vấn doanh nghiệp.
Cơ hội: HP bán thiết bị và dịch vụ cho các doanh
nghiệp sử dụng điện toán đám mây, nhưng họ cũng có sản phẩm cho riêng
mình với công nghệ mã nguồn mở OpenStack.
Thách thức: Gần đây, hãng này vướng vào rất nhiều
scandal và cần cải tổ hệ thống để ra mắt các sản phẩm đột phá hơn, đặc
biệt là cho dòng máy để bàn.
10. Infosys
Giá trị vốn hóa: 24 tỷ USD
Infosys là một công ty gia công sản phẩm tại Ấn Độ
Cơ hội: Xu hướng gia công quy trình kinh doanh trên thế giới đang phát triển.
Thách thức: Infosys luôn bị coi là công ty cướp hết
việc làm của người Mỹ. Hiện tại, họ còn vướng vào một vụ kiện khi cựu
nhân viên Jack Palmer tố cáo hãng này vi phạm luật nhập cư và thuế Mỹ
khi đưa công nhân Ấn Độ vào đây bất hợp pháp.
Hà Thu (theo Business Insider)
|