Bất an nhà cao tầng Bất an nhà cao tầng
Xuất bản: Thứ bảy, 17/12/2011, 07:43 [GMT+7]
Theo Thanh Niên
Lực
lượng PCCC bất lực nhìn những nạn nhân đang cầu cứu tuyệt vọng từ tầng
29 tòa nhà EVN trong vụ cháy chiều tối ngày 15.12, khiến người ta không
khỏi chạnh lòng.
Ơn
trời là đám cháy và khói đen từ tầng hầm đã được dập tắt sau đó, giúp
không có một nạn nhân nào phải thiệt mạng do bị… xông khói. Nói “bất
lực” là bởi vì chính ông Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thú nhận
rằng, xe thang cứu hỏa để cho nạn nhân thoát khỏi khu vực nguy hiểm đó,
chỉ có thể vươn cao nhất 53m, tương đương với tầng 17.
Có nghĩa
rằng, bất kể một một vụ hỏa hoạn nào ở tầng cao trên 17 thì dân phải...
tự cứu? Chẳng ai dám nói ra điều đó nhưng với phương tiện cứu hỏa hiện
tại của lực lượng PCCC thực sự không làm người ta yên tâm. Theo báo cáo
thì cả Hà Nội hiện có 94 xe cứu hỏa song chỉ khoảng hơn 50 xe còn chất
lượng, có xe từ những năm 1960. Lực lượng cũng còn quá mỏng, theo quy
chuẩn mỗi đơn vị phụ trách 3 - 5 km2 song hiện có đơn vị đang phải phụ
trách địa bàn tới 60 km2...
Hà Nội vẫn hoàn toàn chưa có xe bọt,
xe khí để chữa những vụ cháy đặc biệt, cháy tại tầng hầm để xe, tại cầu
thang... Cũng dễ hiểu khi mà ngay trong ngày hôm qua, Chủ tịch UBND
TP.Hà Nội phải triệu tập họp khẩn cấp bàn về việc cứu hộ trong trường
hợp cháy tại các khu nhà cao tầng. Không thể không lo khi mà TP hiện có
tới 500 tòa nhà cao trên 10 tầng và con số này đang tiếp tục tăng nhanh.
Tuy nhiên, hạ tầng và công tác phòng cháy của thủ đô đang bị quá tải.
Với quy chuẩn 150m dọc các trục đường phải có một trụ cứu hỏa, Hà Nội
cần 6.000 trụ nhưng hiện chỉ có hơn 1.000, 1/3 trong số đó không có nước
hoặc không vận hành được.
Cũng không thể không nói đến các
phương tiện cứu hộ, cứu nạn nghèo nàn của lực lượng PCCC. Toàn Hà Nội,
hiện duy nhất khách sạn Daewoo là có một ống tụt để thoát hiểm. Nếu xảy
ra hỏa hoạn lớn tại các chung cư cao tầng, người dân hỗn loạn thì sẽ rất
nguy hiểm khi thiếu vắng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Nhưng hiện
tại, ngoại trừ xe thang vươn được tới tầng 17 như đã nói ở trên, lực
lượng PCCC cũng chưa có cách gì để tiếp cận điểm cháy nếu có ở những vị
trí cao hơn, nói chi đến cứu hộ nạn nhân. Mới đây, PCCC Hà Nội có nhập
về đệm hơi dùng cho công tác cứu nạn trong các vụ hỏa hoạn ở nhà cao
tầng, tuy nhiên việc thoát hiểm bằng nhảy đệm hơi chỉ xảy ra khi nạn
nhân bị dồn đến đường cùng vì cách cứu nạn này đầy rủi ro.
Hôm
qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có đặt vấn đề phải trang bị trực thăng cứu
hộ. Việc này có thể sẽ phải trải qua những thủ tục không dễ dàng gì. Tuy
nhiên, điều đó cho thấy, hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ
nạn nhân cần phải được đầu tư, hoặc chí ít cũng phải công bố một kế
hoạch chi tiết, để có thể huy động phương tiện từ các lực lượng khác,
ngay lập tức trong trường hợp cần thiết. Không thể trông chờ vào sự may
rủi và khả năng tự cứu của người dân.
Tác giả: An Nguyên
|