Kênh đầu tư vàng có rơi vào suy thoái? Kênh đầu tư vàng có rơi vào suy thoái?
17/10/2011
Hệ quả từ những tác động từ chính sách và
bán vàng bình ổn là vấn đề thanh khoản – một tâm điểm chú ý của giới
phân tích và kinh doanh vàng. Nếu thanh khoản vàng giảm đều qua các tuần
thì có thể xem đó là biểu hiện của tình trạng suy thoái, không chỉ về
giá mà còn cả về độ hấp dẫn của kênh đầu tư vàng.
Ảnh: Phạm Hải
Không phải vô lý mà quỹ uỷ thác đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust
đã bán ra đến 4,72 tấn vàng trong khi chỉ mua vào có 0,3 tấn từ đầu
tháng 10/2011 đến nay. Động thái đó cho thấy một thái độ hết sức thận
trọng và luôn dè chừng một cú phản chiều bất ngờ của giá vàng thế giới,
cho dù trong những cuộc thăm dò, vẫn có hơn một nửa số nhà đầu tư và
chuyên gia được hỏi kỳ vọng giá vàng có thể tăng đến mốc 2.000 USD/oz
trong ngắn hạn.
Bầu không khí diễn biến của vàng thế giới cũng gần tương tự như tình
hình giá vàng ở Việt Nam. Ít ra, một sự thật ngày càng lộ rõ mà nhà đầu
tư không chỉ cảm nhận, mà đang có những xác nhận, là sức mua đối với
vàng đã kém hẳn so với cách đây vài tuần.
Khác với thời kỳ huy hoàng trong các tháng 7 và 8/2011, khi vàng thế
giới càng bay cao khi cơn ác mộng suy thoái càng đè nặng những ám ảnh
của nó lên phố Wall; diễn biến trong khoảng một tháng nay lại biểu hiện
một thái độ hoàn toàn ngược lại. Giá vàng thế giới vận động cùng chiều
với chỉ số chứng khoán Dow Jones. Chỉ khi nào chứng khoán Mỹ tăng điểm
thì giá vàng thế giới mới tăng. Nhưng còn tệ hơn cả thế, trong khi chỉ
số chứng khoán Mỹ tăng gần 10% thì giá vàng chỉ phục hồi được chưa đầy
4,5%, tức chưa bằng một nửa tỷ lệ phục hồi của giá cổ phiếu.
Mối quan hệ tỷ lệ thuận bất đắc dĩ trên, cùng với động thái SPDR liên
tục bán ròng, đã cho thấy khả năng cầm cự sắp tới của giá vàng thế giới
là rất khó khăn.
Trong mấy tuần qua, sở dĩ giá vàng thế giới cầm cự được ở vùng 1.600
USD/oz là do các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu tạo nên đồ thị tăng
răng cưa. Nếu thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu suy giảm trở lại, giá
vàng thế giới sẽ ra sao? Gần như chắc chắn, xu thế bán vàng để mua cổ
phiếu sẽ tái hiện. Giá cổ phiếu giảm càng mạnh, làn sóng bán vàng càng
dâng cao, do vậy giá vàng càng có nguy cơ rớt thảm hơn.
Không nằm ngoài xu hướng dao động của giá vàng thế giới, giá vàng trong
nước cũng lình xình trong suốt mấy tuần qua, tuy vẫn giữ độ chênh vượt
hơn giá vàng thế giới từ 1,5-2 triệu đồng/lượng. Tại sao lại có nghịch
lý đó, khi Ngân hàng nhà nước đã cho phép đến 7 ngân hàng cùng với SJC
bán vàng ra? Có thể lý giải phần nào hiện tượng này thông qua hiện tượng
lượng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng bị sụt giảm từ ngày 7/9/2011
cho đến nay.
Vào giữa tháng 9/2011, chỉ có các ngân hàng thương mại nhỏ là than phiền
về lượng tiền gửi bị giảm. Khi đó, nhiều người đã cho rằng tiền dân cư
tìm đến những ngân hàng lớn có tính ổn định hơn. Tuy nhiên giờ đây, ngay
cả những ngân hàng lớn như Eximbank và Techcombank cũng xác nhận lượng
tiền gửi giảm, cùng với tỷ lệ sụt giảm tiền gửi ở một vài ngân hàng đã
lên đến 10-12% chứ không còn là 2-3% như trước đây.
Mặt khác, tổng số dư tiền gửi của khách hàng trên toàn bộ hệ thống tổ
chức tín dụng trong tháng 9/2011 đã giảm 1,07% so với tháng 8/2011 - một
mức sụt giảm khá mạnh. Điều đó cho thấy một lượng tiền không nhỏ đã đổ
vào kênh vàng, giúp hấp thụ lượng bán lớn đến 30 tấn và làm cho giá vàng
không bị giảm mạnh.
Như một nhận định cách đây hai tuần của chúng tôi, trong khi giá vàng
thế giới tăng răng cưa thì giá vàng trong nước lại đã giảm răng cưa.
Trong thực tế, đồ thị giảm răng cưa của giá vàng trong nước là khá xấu,
không cho phép những nhà đầu tư chuyên nghiệp bắt đáy một cách mạo hiểm.
Có lẽ đã qua cái thời mà vàng là ngư ông đắc lợi của tình trạng suy
thoái. Còn hiện nay đang diễn ra thái cực ngược lại khi vàng đồng hành
với suy thoái.
Trong những ngày qua, một số tiệm vàng đã phản ánh số lượng người mua
vàng đã giảm đến 40% so với thời điểm sốt nóng. Tỷ lệ này khá ăn khớp
với những tỷ lệ tương tự trong những thời kỳ tăng trưởng- suy giảm tương
tự vào năm 2010. Với đa số người mua, tâm lý chung giờ đây là đang chờ
vàng giảm mạnh hơn thì mới mua vào.
Có lẽ chỉ vài ba tuần nữa thôi, chỉ số chứng khoán thế giới sẽ kết thúc
xu hướng tăng răng cưa, để hoặc bật mạnh, hoặc trở về chu kỳ suy giảm.
Trong trường hợp được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều hơn là chứng
khoán suy giảm, giá vàng thế giới cũng sẽ suy giảm theo, nhưng có thể tỷ
lệ giảm của vàng sẽ cao hơn tỷ lệ giảm của chứng khoán.
Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối tuần qua đã dường như phát ra một tín
hiệu mới đối với chứng khoán, khi chỉ số Dow Jones vượt qua được đỉnh
gần nhất của nó là 11.600 điểm. Với đà vượt tăng tiến này, vẫn chưa thể
khẳng định là các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới đã thoát
khỏi xu thế giảm, nhưng nếu xu hướng suy giảm vẫn tiếp tục, có thể kỳ
vọng rằng tỷ lệ sụt giảm cũng không quá lớn.
Chứng khoán thường là chỉ báo cho nền kinh tế. Nếu các chỉ số chứng
khoán Mỹ dao động đi ngang trong trung hạn, chất lượng nền kinh tế Mỹ
vẫn không quá xấu và vẫn có thể hy vọng vào một sự hồi phục từ khoảng
giữa năm 2012.
Thế nhưng trong ngắn hạn, những dao động thất thường của chỉ số chứng
khoán sẽ có thể làm thất vọng giới đầu tư vàng, khi quy luật giá vàng
tăng thấp hơn chỉ số chứng khoán và giảm mạnh hơn chỉ số chứng khoán sẽ
tái hiện.
Còn trong nước, để có thể đánh giá toàn diện hơn về xu hướng của thị
trường vàng, cần cân đối yếu tố lượng vàng đã bán ra trong mấy tuần qua,
trong đó có vàng bình ổn giá, với những chính sách quản lý kinh doanh
vàng của Ngân hàng nhà nước đã ban hành và có thể sẽ được ban hành sắp
tới.
Hệ quả từ những tác động từ chính sách và bán vàng bình ổn và chính
sách là vấn đề thanh khoản - một tâm điểm chú ý của giới phân tích và
kinh doanh vàng. Hoạt động đầu cơ và đầu tư vàng chỉ có thể tiếp tục nếu
trong thời gian tới mức thanh khoản giao dịch vàng không bị giảm mạnh.
Trong trường hợp ngược lại, thanh khoản vàng giảm đều qua các tuần thì
có thể xem đó là biểu hiện của tình trạng suy thoái, không chỉ về giá mà
còn cả về độ hấp dẫn của kênh đầu tư vàng.
ThinhVuongcorp - Theo VEF
|