Ám ảnh phía Tây
Phía Tây Hà Nội có thể coi là khu vực khiến thị trường nặng gánh nhất bởi số lượng hàng tồn kho. Theo thống kê, khu vực này có khoảng gần 400 dự án đã giao chủ đầu tư hoặc đã phê duyệt quy hoạch trên địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai… tuy nhiên, số lượng dự án thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ khách hàng có nhu cầu thực có thể đếm trên đầu ngón tay.
Có thể dễ dàng thấy hàng loạt khu đô thị đang dang dở hoặc thưa vắng bóng người dọc các trục đường lớn như Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long…
Đến thời điểm hiện nay, khi người mua đã sẵn sàng chi tiền trở lại, thì nhìn chung, bất động sản (BĐS) khu vực này vẫn không có nhiều chuyển biến. Nhiều dự án từng được mệnh danh là “siêu dự án” với quy mô hàng ngàn tỷ đồng cũng đang dậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu chậm triển khai khiến người mua như ngồi trên lửa.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, BĐS phía Tây Hà Nội có thể coi là một bằng chứng điển hình cho thời kỳ đầu tư theo kiểu ăn xổi, có đất là có dự án, chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch, hạ tầng, dân cư. Nhà đầu tư lướt sóng thì chỉ biết bỏ tiền, đợi giá tăng lên bán lại, không cần quan tâm đến chất lượng dự án. Người mua thật thì không thể chuyển về sinh sống vì dự án thiếu trầm trọng những dịch vụ xã hội đô thị như điện, đường, trường, trạm. Vì vậy, BĐS phía Tây lâm vào tình cảnh “chìm” cả đôi bên mà chưa có cách tháo gỡ.
Đã có nhiều động thái được cho là nỗ lực “giải cứu” của cơ quan quản lý như việc Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, đối với BĐS khu vực Tây Hà Nội, việc chuyển đổi cũng không phải dễ, bởi đa phần dự án đã được xây dựng và mở bán, muốn chuyển đổi phải có sự đồng thuận của khách hàng. Bên cạnh đó, việc nằm ở khu vực không dân cư, không có hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ, lại ở xa khu trung tâm cũng đang là trở ngại lớn.
“Quả ngọt” phía Đông
Trong những năm 2009 – 2011 khi BĐS phía Tây “nổi như cồn” thì phía Đông lại bình thản phát triển và hội tụ nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn phát triển lâu dài và thương hiệu lớn. Các dự án "đáng đồng tiền bát gạo" như Khu đô thị Ecopark, Vinhome Riverside; Garden City, Berriver Long Bien… đã được các doanh nghiệp “âm thầm” phát triển để đón làn sóng và xu hướng mới của thị trường. Khu vực này còn tập trung một số siêu dự án quy mô lớn đã phê duyệt chủ trương nhưng chưa được nhà đầu tư công bố thông tin chi tiết.
Việc trong nửa cuối năm 2014, Khu đô thị Ecopark chào bán thành công hàng nghìn căn hộ, biệt thự, nhà phố hay Vingroup tới tấp “đẩy hàng”… khiến thị trường một phen “mắt tròn, mắt dẹt” nhưng theo các chuyên gia thì đó là “quả ngọt” của những nỗ lực đầu tư bài bản và định hướng lâu dài. Họ đã biết tạo lập các khu đô thị lớn có tiện ích hoàn hảo và ghi dấu ấn của mình bởi sự đột phá, tiên phong trong việc tạo ra một trào lưu, xu hướng tận hưởng cuộc sống mới cho người dân đô thị. Xóa mờ những tiêu chí về việc sở hữu một căn hộ trong một tòa nhà “tròng trọc” gần như chỉ đơn thuần để ở, họ đã tạo lập những thói quen, nhu cầu mới. Đó là nhu cầu sống xanh, sống sang trọng giữa thiên nhiên, tận hưởng các dịch vụ tiện ích chất lượng cao để sống khỏe, sống hạnh phúc.
Ngoài những dự án nhà ở và khu đô thị quy mô lớn, khu vực này còn sở hữu một số dự án quy mô khác như sân gôn Long Biên, Trung tâm thương mại Aeon Mall (Nhật Bản)…
Theo các chuyên gia BĐS, phía đông là hướng ra biển, nên phát triển theo hướng này là thuận theo tự nhiên. Lý do khiến khu vực phía Đông vừa qua chưa phát triển bằng khu vực phía Tây do tâm lý nhiều người dân ngại “qua sông”. Nhưng nay, hạ tầng giao thông đang phát triển nhanh chóng và thông suốt giữa hai bờ sông Hồng với các cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy cùng sự kết nối thuận tiện với những tuyến đường lớn như tuyến Hà Nội – Hưng Yên chạy qua Khu đô thị Ecopark, đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng, đường vành đai 3 trên cao, biến khu vực phía này trở thành một khu phát triển đầy sôi động... thì việc BĐS khu vực này trở lên hấp dẫn là điều dễ hiểu.
D.Thùy