Trước khi gửi tiền bạn nên cân nhắc xem nhu cầu của mình sẽ phù hợp với việc gửi ngắn hạn hay dài hạn. Nếu bạn không chắc chắn về nhu cầu sử dụng của bản thân thì nên gửi ngắn hạn. Vì nếu bạn gửi dài hạn mà bạn rút tiền gấp khi chưa đến thời kỳ đáo hạn, bạn sẽ nhận lãi suất rất thấp hoặc không có lãi. Tuy nhiên, khi bạn sắp xếp được kế hoạch chi tiêu hợp lý và muốn gửi dài hạn trên một năm để có mức lãi suất tốt, đến thời hạn, bạn phải đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán.
Trường hợp muốn gửi tiếp thì bạn cũng nên đến làm thủ tục đáo hạn. Điều này vừa giúp bạn có thể kiểm soát được số tiền gốc và lãi của mình sau mỗi kỳ hạn gửi, đồng thời có thể thương lượng lại với ngân hàng để hưởng mức lãi suất mới có lợi hơn, tránh trường hợp như của bà Lê Thị Bích Thuỷ (TP HCM) gửi tiết kiệm nhưng không đến rút, để kéo dài tới hơn 30 năm. Đến khi làm thủ tục tất toán chỉ nhận được cả gốc lẫn lãi 4.385 đồng do sự trượt giá vì lạm phát và Việt Nam trải qua các kỳ đổi tiền.
Hiện nay, loại tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng). Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.
Sau khi quyết định gửi dài hạn hay ngắn hạn rồi, bạn nên tham khảo một vòng xem ngân hàng nào có mức lãi suất cao nhất mà vẫn đảm bảo các quyền phụ lợi khác.
Bạn nên chọn ngân hàng lớn, uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.
Thêm vào đó, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng sẽ được coi là một sự lựa chọn thông minh vì các cuộc giao dịch của bạn sẽ thuận lợi hơn những ngân hàng khác.
Ngoài ra, bạn tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng. Bạn có 2 cách chọn lãi suất: Lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.
Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Bạn có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần lãnh lãi. Thông thường thì gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ cố mức lãi suất tốt hơn.
Lãi suất của ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Đối với tiền gửi không kì hạn, Ngân hàng Agribank đang dẫn đầu với mức lãi suất 1,2%/năm, tiếp đó là mức lãi suất 1%/năm đối với các ngân hàng như Bắc Á, Nam Á, TPbank…..mức lãi suất thấp nhất đối với tiền gửi không kì hạn là 0,3%/năm của Ngân hàng Quân đội MB Bank.
Ở các kì hạn 1 và 2 tháng, mức lãi suất cao nhất thuộc về Ngân hàng Phát triển Mê Kong (MDB) với mức lãi suất 5,6% năm. Thấp hơn một chút là mức lãi suất 5,5%/năm ở các ngân hàng như Oceanbank, PGbank, Bản Việt…
Kì hạn 3 tháng, Oceanbank và MDB chiếm vị trí dẫn đầu với mức lãi suất 5,7%/năm, theo sau đó là các ngân hàng như NH liên doanh Việt Nga, Việt Á, VietBank….với mức lãi suất 5,5%/năm.
Kì hạn 6 tháng, khách hàng nên chọn ngân hàng Phương Nam Southern Bank hoặc Việt Nam thương tín VietBank với mức lãi suất là 7,2%/năm, thấp hơn một chút là ngân hàng xây dựng VNCB với mức lãi suất 7%/năm.
Ở kì hạn dài hơn một chút là 9 tháng, mức lãi suất cao nhất cũng tăng thêm 0,3%/năm so với mức lãi suất cao nhất có kì hạn 6 tháng lên mức 7,5%/năm. Ngân hàng có mức lãi suất cao nhất này làNgân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank).
Ở các kì hạn 1 năm và trên 1 năm (12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng), ngân hàng có mức lãi suất cao nhất là Ngân hàng VietBank với mức lãi suất 7,7%/năm cho kì 12 tháng và 8%/năm cho các kì từ 18 tháng đến 36/tháng.