|
Doanh nghiệp đến làm thủ tục về đăng ký cấp mã số thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định đến nay tần suất kê khai thuế tại VN cơ bản đạt thông lệ quốc tế, bằng các nước ASEAN có trình độ phát triển cao (như Thái Lan, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines).
Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phải ba tháng một lần kê khai thuế VAT, 95% doanh nghiệp đã được khai thuế qua mạng, 12.000 doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử và quy định khống chế chi phí quảng cáo được dỡ bỏ...
Theo ông Tuấn, tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu ban hành tiêu chí quản lý rủi ro để xác định đối tượng thanh tra, kiểm tra thuế. Từ bộ tiêu chí này sẽ thấy rõ ai sẽ bị thanh tra, kiểm tra, ai không bị thanh tra, kiểm tra.
“Nghĩa là ông nào ốm mới uống thuốc, chứ không phải ai cũng bắt uống kháng sinh cho an toàn”. Từ đó, “doanh nghiệp có thể tự đối chiếu, và họ sẽ biết có quyền bác yêu cầu thanh kiểm tra hay phải chấp hành” - ông Tuấn nói.
Nội dung trên được thông tin tại hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 19-3, lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết hàng loạt biện pháp mạnh để tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian nộp thuế...
Trả lời câu hỏi của cử tọa về việc đã làm gì và doanh nghiệp đã được cải cách những gì để người dân có thể giám sát, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã so sánh quy trình, thủ tục VN với các nước thì nhận thấy tần suất kê khai ở VN nhiều quá.
Thuế VAT của VN yêu cầu kê khai tới 12 lần, trong khi nhiều nước chỉ yêu cầu 4 lần/năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp các nước chỉ yêu cầu kê khai 1 lần/năm, VN yêu cầu 4 lần, cộng lần quyết toán nữa là 5...
Vì vậy, Bộ Tài chính đã tham mưu và Chính phủ đã trình Quốc hội sửa 16 vấn đề của 5 luật liên quan. Chính phủ cũng phải ban hành một nghị định sửa 4 nghị định. Bộ Tài chính thì trực tiếp ban hành 1 thông tư sửa 7 thông tư.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Anh - tổng cục phó Tổng cục Hải quan - cho rằng thời gian thông quan kéo dài là còn do nhiều bộ khác chứ không phải chỉ vì hải quan. Theo ông Ngọc Anh, đang có tới tám bộ quản lý chuyên ngành các mặt hàng nhập khẩu. Các quy định hầu hết đều yêu cầu “hàng hóa phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan”.
Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành nhiều, như Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật... Và quy định cũng rất khác nhau, có nơi không quy định trong thời gian bao lâu phải kiểm tra chuyên ngành xong. Vì vậy, họ chưa kiểm tra xong thì hải quan sẽ phải chờ... Theo ông Ngọc Anh, cần sớm cải cách các thủ tục này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.