|
Máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu từ Nhật tồn ứ tại kho của Công ty Lập Đức (Q.Bình Tân) - Ảnh: Hữu Khoa |
Đó là thông tư 20 của Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN), đưa ra quy định: máy móc, thiết bị, dây chuyền nhập khẩu vào VN phải có thời gian sử dụng không quá năm năm và chất lượng còn lại so với ban đầu phải từ 80% trở lên.
Ngay khi ban hành, nhiều doanh nghiệp lo thông tư này có hiệu lực sẽ không nhập được máy móc nên đã ồ ạt nhập về dự trữ thì nay rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Thông tư này đã tạm ngừng để xem xét, nếu tiếp tục thực thi sẽ ảnh hưởng lớn tới việc lưu chuyển công nghệ của Samsung từ các nhà máy khác trên toàn cầu về VN. Chưa kể việc giám định chất lượng, độ mới của máy móc trên 80% là điều rất băn khoăn của chúng tôi: ai sẽ kiểm định và thời gian bao lâu? |
Đại diện Công ty Samsung Electronics VN |
Thiệt hại tiền tỉ
Tại kho hàng rộng trên 3.000m2 của Công ty Lập Đức (Q.Bình Tân, TP.HCM) hàng ngàn máy móc, thiết bị nâng hạ... nằm chật ních. Bà Vũ Thanh Hiền, giám đốc Công ty Lập Đức, cho biết đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi thông tư 20 dù đã ngừng hiệu lực nhưng không biết xử lý sao với đống hàng mới nhập về hiện nằm ngổn ngang.
Gần hai tháng trước, ngày 15-7 khi thông tư 20 được ban hành (dự kiến ngày 1-9 có hiệu lực), lo ngại việc nhập hàng sắp tới sẽ khó khăn, công ty có nguy cơ phải “khai tử”, bà Hiền đã quyết định nhập hơn 30 container hàng hóa máy móc các loại từ Nhật thay vì chỉ 3-4 container/tháng như trước đó.
Tuy nhiên, quyết định táo bạo này đột ngột “phản chủ” khiến bà thiệt hại hàng tỉ đồng do các chi phí phát sinh như lãi suất vốn vay, thuê kho bãi, phí cảng, hãng tàu tăng đột biến trong tháng 8, khấu hao máy móc “dầm mưa dãi nắng”...
“Thiệt hại kể sao cho hết được, chỉ tính riêng tiền phí nâng container, phí kẹt cảng do cảng và các hãng tàu áp dụng đột ngột trong tháng 8 vừa qua cũng khiến chúng tôi thiệt hại 100 triệu đồng. Thực tế, nếu không có thông tư trên, chúng tôi chỉ nhập hàng khi có sẵn đơn đặt hàng từ doanh nghiệp trong nước để tránh rủi ro, hạn chế chi phí kho bãi...” - bà Hiền lo lắng.
Tương tự, ông Phan Văn Hải - tổng giám đốc Công ty CP Phát triển máy xây dựng VN (Vinacoma) - cho biết không ít doanh nghiệp trong ngành cơ khí khốn đốn khi “ôm hàng” trước thời gian thông tư 20 có hiệu lực.
Theo ông Hải, thông tư bất hợp lý bởi quy định áp dụng cho hàng loạt sản phẩm thiết bị, máy móc, mà các sản phẩm máy móc cũ có xuất xứ từ Nhật và các nước châu Âu chất lượng vẫn rất ổn định dù đã sử dụng trên dưới chục năm.
“Cùng giá tiền nhưng một sản phẩm mới 100% xuất xứ từ Trung Quốc không thể có chất lượng tốt, ổn định như sản phẩm đã qua sử dụng từ Nhật. Trong khi đó, nhiều máy móc Trung Quốc xuống cấp rất nhanh sau 2-3 năm sử dụng khiến phát sinh chi phí bảo dưỡng, sửa chữa...” - ông Hải so sánh.
Dừng vì phi thực tế
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng bức xúc với các quy định của thông tư 20. Ông Hiroshi Matsushita, tổng giám đốc Công ty Meito (100% vốn Nhật Bản), phải thốt lên: “Tôi không biết có thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch đầu tư tại đây nữa được không!”.
Cũng như nhiều nhà đầu tư Nhật khác, trước khi quyết định đầu tư hơn 4,3 triệu USD vào VN trong lĩnh vực dịch vụ logistics, Meito và cá nhân ông Hiroshi đã phải mất đến gần ba năm nghiên cứu môi trường đầu tư.
Nhưng nay ông phải té ngửa: “Việc ra văn bản này khiến chúng tôi rất lo lắng vì đây là một đánh giá cảm tính và thiếu thực tế. Ở Nhật thời hạn thiết bị máy móc đã qua sử dụng cũng 10 năm, nay tại VN chỉ còn năm năm là rất khắt khe. Chưa kể khi thông tư này đi vào thực tế, ai sẽ là người đánh giá máy móc kho lạnh còn mới dưới 80% hay đã quá năm năm sử dụng?”.
Ngoài quy định về thời gian của máy móc, thiết bị nhập khẩu không quá năm năm sử dụng, thông tư 20 còn ràng buộc máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu phải có chất lượng còn lại so với ban đầu từ 80% trở lên.
Theo ông Lê Xuân Vinh - phó phòng xuất nhập khẩu Công ty Datalogic VN, quy định này phi thực tế nên rất khó thực thi, bởi có những sản phẩm, thiết bị, dây chuyền này do chính Datalogic lắp ráp, phục vụ hoạt động sản xuất của chính tập đoàn và của những công ty thành viên thì các đơn vị, cơ quan khác không thể giám định, đánh giá thiết bị, dây chuyền đó còn giá trị ra sao.
Theo Bộ KH-CN, việc ban hành thông tư 20 nhằm mục đích hạn chế đưa công nghệ lạc hậu vào VN. Tuy nhiên, hơn một tháng sau khi ban hành thì Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã phải ký quyết định ngưng đúng vào ngày thông tư có hiệu lực 1-9.
Giải thích về việc tạm ngưng thực hiện thông tư 20, Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN) đưa ra đánh giá chung chung là: đến thời điểm hiện nay, do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của thông tư số 20 nên phải tạm ngưng!
Rối với thông tư thuế giá trị gia tăng Mới đây Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 83 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (có hiệu lực từ ngày 10-8-2014), trong đó quy định sản phẩm tiêu trắng, tiêu đen xay (tại danh mục cà phê, chè, chè Paraguay và các loại gia vị) phải chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trước đó thông tư 219 (có hiệu lực ngày 1-1-2014) cũng do bộ này ban hành thì mặt hàng tiêu trắng, tiêu đen xay không chịu mức thuế này. Mặc dù ra sau nhưng thông tư 83 không nói rõ sẽ thay thế 219, do đó doanh nghiệp không thể biết mình phải áp dụng theo chính sách nào. Chị V.A. - nhân viên kinh doanh công ty chuyên về kinh doanh gia vị tỏi, ớt, tiêu... sơ chế tại TP.HCM - bức xúc: “Chúng tôi vẫn phải làm hàng cho đối tác nhưng hóa đơn xuất ra chưa hợp lệ vì không biết phải theo thông tư nào, do đó cũng không thể thu công nợ được. Hiện chúng tôi đang áp dụng theo thông tư 219 nhưng nếu áp dụng theo thông tư 83, doanh nghiệp tôi phải thu hồi, hủy tất cả hóa đơn đã xuất ra kể từ sau ngày 10-8. Văn bản luật bất nhất, thay đổi trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp trở tay không kịp để ứng biến”. L.SƠN |
ĐÌNH DÂN - LÊ SƠN