Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện quá tập trung làm để bán mà sao nhãng phân khúc cho thuê
Chính sách phát triển nhà xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong phiên thảo luận Luật Nhà ở sửa đổi tại Thường vụ Quốc hội sáng 10/9.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM), quy định về nhà ở xã hội là "điểm sáng" trong dự thảo luật song vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận xét một trong những bất cập trong chính sách ưu đãi nhà ở xã hội nằm ở chỗ quá tập trung vào phân khúc làm nhà để bán. “Nên phát triển nhà ở xã hội để cho thuê chứ không phải bán”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến dẫn thực tế rằng trong khi các địa phương không quan tâm đến làm nhà cho thuê, chủ chủ đầu tư cũng chỉ chăm chăm làm các công trình để bán. Ông Tiến cũng cho rằng vì thế mà Việt Nam mới xuất hiện thêm một loại "cò" mới là dẫn mối để doanh nghiệp trục lợi từ chính sách làm nhà ở xã hội.
|
Nhà ở xã hội cho thuê đang rất thiếu. Ảnh: Hoàng Lan |
Từ thực tiễn địa phương có nhiều dự án nhà xã hội nhất, Phó đoàn đại biểu Hà Nội - Chu Sơn Hà lý giải thực trạng trên xuất phát từ việc chính sách phần lớn chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp. Đồng quan điểm phải đẩy mạnh nhà cho thuê, ông Hà cho biết hiện nay gần như 100% sinh viên đi thuê nhà trong dân. Cho nên cần có ưu đãi cho người dân được hưởng cơ chế như doanh nghiệp để đẩy mạnh phân khúc này.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu sau kỳ họp toàn thế hồi tháng 6 và tại thường vụ tháng trước về dự luật này cũng cho thấy nhiều kiến nghị cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê. Báo cáo này đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết có thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhà ở để cho công nhân.
Chốt lại phần thảo luận buổi sáng 10/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành quan điểm này và đề xuất ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư thì dự luật cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn, quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê.
Nhà ở xã hội ‘ế’ vì không hợp phong thủy Cho rằng dân không mặn mà với nhà ở xã hội vì không hợp phong thủy khiến chung cư này bị ế, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khuyến cáo các chủ đầu tư nên sử dụng khoa học phong thủy trong xây dựng nhà xã hội. Nữ đại biểu cũng lo ngại, việc quy định diện tích nhà ở xã hội chỉ tối đa 70m2 sẽ khiến loại hình này khó bán cho đối tượng là cán bộ. Bà Khánh phân tích, cán bộ được ở nhà công vụ thuộc diện được mua nhà xã hội. Tuy nhiên, lượng khách hàng này sẽ không mặn mà vì nhà xã hội tối đa chỉ 70m2 trong khi trước đó họ được ở nhà công vụ rộng cả trăm m2. “Thế thì làm sao cán bộ chịu trả nhà công vụ để đi mua nhà xã hội được”, đại biểu Khánh nói. |
Chí Hiếu