Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2014, Chính phủ thống nhất sẽ ban hành nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các giải pháp Chính phủ đưa ra nhằm mục tiêu “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, nhưng TS Ánh nói “lý luận như thế không chuẩn, bởi doanh nghiệp làm ăn có lãi mới phải đóng thuế”.
Lần này, tương tự như lần kêu gọi miễn thuế trước đây hay đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% hồi đầu năm, TS Ánh cho rằng: “Các giải pháp này chưa thực sự giải quyết gốc rễ những khó khăn của doanh nghiệp”.
Ngay cả khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì “các khoản chi phúc lợi cho người lao động được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp” như Chính phủ bàn luận, cũng không mang lại nhiều giá trị cho chính doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, việc ưu đãi thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp tức là nhà nước để lại cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận. Nhưng khi đó, doanh nghiệp sẽ có hai tác động động tác tiếp tục đầu tư và chia cổ tức, lập quỹ…, mà những cái đó không lý giải câu chuyện phục hồi của doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa, điều chỉnh thuế phải đi theo lộ trình. Thay đổi thuế xuất của thuế thu nhập doanh nghiệp có quy trình khá phức tạp, phải thông qua Quốc hội chứ không đơn giản là cứ đề xuất là có thể điều chỉnh.
Theo vị chuyên gia đến từ Bộ Tài chính này, các ưu đãi về thuế chỉ phát huy tác dụng khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, đi nộp thuế và được hưởng các ưu đãi về thuế. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Những hành động của Chính phủ trong việc tìm kiếm các giải pháp giảm thời gian nộp thuế, ưu đãi về thuế... được ông Trần Văn Khang, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đông Bình (Bắc Ninh), nói “tốt cho doanh nghiệp, nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế để duy trì và phát triển sản xuất”.
“Cái doanh nghiệp cần nhất hiện nay là tiếp cận vốn với lãi suất thấp”, ông Khang nói và cho biết hiện công ty vẫn phải vay ngoại tệ với lãi suất 4-4,5%/năm và 9,5-11%/năm đối với VNĐ, để gia công sản phẩm dệt may xuất khẩu sang châu Âu và Hàn Quốc.
“Thực ra doanh nghiệp phải làm ăn có lãi mới có tiền nộp thuế cho Nhà nước và chỉ khi đó mới được hưởng ưu đãi. Vì vậy, nhà nước cũng cần khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có lãi để được giảm thuế”, ông Khang kết luận.
VÂN NGUYỄN