Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/3 tại Mỹ, mỗi ounce vàng mất 12 USD, xuống 1.355 USD, do nhà đầu tư tìm đến tài sản rủi ro hơn khi căng thẳng Ukraine hạ nhiệt.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương 34,5 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Giá đóng cửa hôm qua tại thị trường trong nước xoay quanh 36,18-36,24 triệu đồng.
|
Giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp vì căng thẳng Ukraine hạ nhiệt. Ảnh: Bloomberg |
Chứng khoán Mỹ đã tăng phiên thứ 2 liên tiếp, với S&P 500 nhích lên gần 1%. Phố Wall khởi sắc sau khi Tổng thống Nga - Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga và tuyên bố không có kế hoạch lấy đi bất cứ phần lãnh thổ nào khác của Ukraine.
“Căng thẳng đã phần nào hạ nhiệt, vì thế dòng tiền đầu cơ lại chảy khỏi vàng”, Robbert van Batenburg – Giám đốc Chiến lược thị trường tại Newedge cho biết. Tuy nhiên, giá kim loại quý vẫn sẽ đi lên nếu phá vỡ được các ngưỡng cản kỹ thuật hoặc rủi ro vĩ mô tăng, như tình hình tại Trung Quốc.
Giá vàng cũng chịu sức ép sau khi Mỹ công bố lạm phát tháng 2 đứng yên và số nhà xây mới giảm ba tháng liên tục. Giá các hợp đồng vàng giao tháng 4 cũng giảm gần 14 USD xuống 1.359 USD một ounce. Khối lượng giao dịch bằng trung bình 30 ngày.
Một số nhà đầu tư đã bán vàng chốt lời sau khi kim loại quý tăng 3% tuần qua do vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên tại Trung Quốc và mối lo nước này suy giảm kinh tế. “Tôi cho rằng giá vàng sẽ giữ trên 1.350 USD do vấn đề Ukraine. Trung Quốc có thể đối mặt với khủng hoảng tín dụng cũng là bệ đỡ quan trọng cho kim loại quý”, Miguel Perez-Santalla – Phó Chủ tịch sàn vàng trực tuyến BullionVault nhận định.
Nhà đầu tư hiện chờ kết quả phiên họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Phiên họp đầu tiên của bà Janet Yellen sẽ tập trung vào việc làm thế nào để thay đổi cam kết giữ lãi suất thấp mà không làm xáo trộn thị trường tài chính.
Hà Thu