Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học từ kinh nghiệm quốc tế do Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội sáng 12.3.
Nhiều khu nhà ở xã hội, tái định cư mới chỉ tạo được nhà chưa gắn với sinh kế của cư dân - Ảnh: Lê Quân |
Thất bại của thị trường bất động sản
| | Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp của nước ta hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282.000 căn. Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66.000 căn. Còn giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432.000 căn tương đương khoảng 17,28 triệu m2. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, quan điểm của Chính phủ là không quay về áp dụng cơ chế bao cấp đối với việc phát triển nhà ở, kể cả nhà ở xã hội. “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia khẳng định giải quyết nhà ở chủ yếu bằng con đường thị trường, để tự thị trường điều tiết và Chính phủ đưa ra những khung pháp lý phù hợp”, ông Nam nói. | |
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận giá nhà ở tại Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của người lao động nên việc cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân cần có sự hỗ trợ của nhà nước, thậm chí thu hút cả nguồn lực giúp đỡ của quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho biết hiện cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, Hà Nội có khoảng 23 khu chung cư cũ từ 4 -5 tầng diện tích sàn khoảng 1 triệu m2 với trên 30.000 hộ, 10 khu nhà ở thấp tầng. Còn tại TP.HCM con số này là 6 khu chung cư tập trung và nhiều nhà chung cư lẻ nằm rải rác trong nội thành. Riêng các khu chung cư cũ bị hư hỏng nặng tại TP.HCM có diện tích sàn hơn 0,4 triệu m2 với khoảng 10.000 hộ dân đang sinh sống. Tại những khu này, dù ở chật chội, chất lượng sống không cao nhưng người dân vẫn kiên quyết bám trụ vì ở đấy họ có công ăn việc làm, có thể sống được.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang trong quá trình tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng 3,4% mỗi năm với khoảng 1 triệu dân chuyển dịch về các đô thị hằng năm. Trong đó có rất nhiều người có thu nhập thấp nên làm gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các đô thị. Việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là dân di cư từ nông thôn ra thành thị là thách thức không nhỏ.
Mặt khác, theo bà Victoria Kwakwa, đô thị ở Việt Nam không có nhiều khu ổ chuột như ở các nước khác. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, người thu nhập thấp rất dễ làm phát sinh các khu ổ chuột tại đô thị. Trong khi đó, suốt thời gian qua, thị trường bất động sản dư thừa nguồn cung về nhà ở tầm trung và cao cấp, người thu nhập thấp không có khả năng tiếp cận loại nhà này. Bà Victoria Kwakwa cho rằng đây là thất bại của thị trường bất động sản Việt Nam. Để phát triển nhà ở xã hội thành công và bền vững, ngoài chất lượng nhà đảm bảo, điều quan trọng hơn là phối hợp các ngành để tạo cho cư dân có cuộc sống ổn định về thu nhập.
Không tách biệt người giàu với người nghèo
Nhất trí với quan điểm phát triển nhà ở xã hội phải gắn liền với kế sinh nhai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói: “Nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi phải cho người ta tìm nguồn sống. Như ở khu vực phố cổ ở Hà Nội như Hàng Đào, Hàng Ngang, hay ở Q.5, TP.HCM… dù rất chật chội, nhiều người cùng ở trong một diện tích nhỏ hẹp, bẩn thỉu rất cực khổ nhưng họ vẫn ở, kiên quyết không chuyển. Nguyên nhân, chuyển đến nơi ở mới, nhà rộng rãi, khang trang nhưng người ta sẽ không biết làm gì lấy ăn. Rất nhiều khu nhà ở xã hội, nhà tái định cư ở ta rơi vào tình trạng này”.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển các đô thị, nhiều người nêu quan điểm phải cho bố trí người thu nhập thấp ở khu vực riêng, tách biệt với khu vực người giàu có ở. Các khu đô thị mới thay vì phải dùng 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội thì cho phép nộp thay bằng tiền để dùng số tiền đó phát triển khu nhà ở khác. “Quan điểm của Bộ Xây dựng là dứt khoát không tách rời người nghèo ra khỏi khu người giàu, để họ cũng được hưởng các hạ tầng cơ sở hiện đại: đường, điện, nước, trường học, dịch vụ mua bán... Cùng lắm là nếu có ngăn cách thì chỉ mang tính quy ước như hàng cây, mương nước hay con đường. Chắc chắn sẽ không có chuyện đưa người nghèo sống tập trung một chỗ, rất dễ hình thành những khu ổ chuột. Vì vậy, tất cả những dự án nhà ở, khu đô thị trên 10 ha buộc phải để ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Những dự án dưới 10 ha, có thể được xem xét nộp tiền thay vì dùng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội”, ông Nam nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đưa người nghèo ở tách biệt không khác nào cắt nguồn sống của họ bởi khi ở xen lẫn thì ngoài tạo ra sự giao thoa tốt, người nghèo cũng có thể buôn bán để kiếm sống.
Lê Quân