Lỗ nặng vì vàng, ngoại hối, cộng với trích lập dự phòng rủi ro tăng cao... khiến lợi nhuận của không ít ngân hàng sụt giảm mạnh, có nơi sa sút đến 90% so với năm trước.
1. VIB giảm lãi 90%
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2013 cho thấy, kết quả kinh doanh năm qua của Ngân hàng Quốc tế (VIB) khá ảm đạm khi tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm gần 90% so với năm ngoái.
Sau khi trừ thuế, lợi nhuận của VIB còn 52 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 năm 2012. Như vậy, với vốn điều lệ 4.250 tỷ đồng, tương ứng 425 triệu cổ phiếu lưu hành, bình quân mỗi cổ phiếu VIB chỉ đạt lợi nhuận ròng 123 đồng.
Năm qua, nhà băng này đã cố gắng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh gần 120 tỷ đồng, lên gần 900 tỷ, là nguyên nhân góp phần làm lợi nhuận sụt giảm.
|
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro từng quý và cả năm 2013 so với 2012. (Đơn vị tính: tỷ đồng). |
Tín dụng tăng trưởng thấp trong cả năm (3,8%) cũng là lý do khiến lãi của VIB đạt mức khiêm tốn. Bởi trước nay, mảng tín dụng của các ngân hàng vẫn chiếm tới 80% tổng thu nhập, nên sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh truyền thống này đã tác động mạnh vào suy giảm chung của lợi nhuận.
Năm 2013, khoản thu nhập lãi thuần của VIB giảm gần 1.000 tỷ đồng so với 2012. Ngoại trừ mảng ngoại hối lãi tăng nhẹ, mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ sang lãi, hầu hết các thu nhập khác đều sụt giảm trong năm qua.
2. Eximbank hoàn thành chưa tới 20% kế hoạch lợi nhuận
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giành ngôi á quân "trong cuộc đua giảm lợi nhuận" khi cả năm 2013 chỉ đạt 827 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 71% so với năm trước và hoàn thành chưa tới 20% kế hoạch đề ra từ đầu năm.
|
Lợi nhuận Eximbank sa sút vì vàng, ngoại hối. Ảnh: Lệ Chi |
Nguyên nhân sa sút mạnh lợi nhuận của Eximbank có thể lý giải do mức lỗ thuần gần 230 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối quý IV năm 2013.
Theo lý giải của lãnh đạo Eximbank, khoản lỗ này đã có từ giữa năm 2013 khi ngân hàng tiến hành tất toán trạng thái vàng theo quy định, nhưng đến quý cuối năm nhà băng mới hạch toán.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn bị lỗ từ chứng khoán đầu tư. Lãi từ hoạt động khác trong những tháng cuối năm của Eximbank cũng bị giảm mạnh 96,8% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 16,48 tỷ đồng.
Riêng quý IV, số tiền mà Eximbank trích lập dự phòng lên tới 120 tỷ đồng, so với 39 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, khiến ngân hàng lỗ trước thuế 328 tỷ đồng. Cả năm, nhà băng này dự phòng tất cả 300 tỷ đồng, tăng 25,5% so với 2012.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng từng thừa nhận ngân hàng đang khó khăn, cần tái cơ cấu và bản thân ông cũng tự cắt giảm 50% lương. "Lợi nhuận giảm tất nhiên là điều không vui, nhưng bù lại đây là giai đoạn chú trọng chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để nhà băng phát triển ổn định sau này", ông nói.
3. Techcombank sụt hơn 130 tỷ đồng tiền lãi
Không "ngã" vì vàng, ngoại hối nhưng Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vẫn giảm lãi 13% trong năm qua, chỉ đạt 878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nguyên nhân chính đến từ mảng tín dụng - lĩnh vực tạo nguồn thu chính. Theo đó, kết thúc năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Techcombank khá thấp (2,95%) so với đầu năm.
|
Tín dụng tăng trưởng thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Techcombank. |
Đại diện Techcombank cho biết, năm 2013 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức cho kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy, trong năm qua, ngân hàng tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời duy trì chính sách cho vay thận trọng và đảm bảo chất lượng tài sản.
Ngoài ra, việc trích lập dự phòng cẩn trọng cũng là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận của nhà băng này.
4. Lợi nhuận ACB thấp hơn 800 tỷ đồng so với kế hoạch
Trong quý IV năm 2013, lãi trước thuế của Ngân hàng Á Châu (ACB) sau chi phí dự phòng âm 444 tỷ đồng và cả năm chỉ đạt 1.035 tỷ đồng, chưa bằng 57% so với kế hoạch ban đầu 1.800 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến ACB lỗ lần này phần nhiều do thu nhập lãi thuần - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản thu, giảm 45%. Đây là điều tất yếu, bởi năm qua nhà băng này gặp khó khăn trong việc đẩy vốn ra nền kinh tế. Kết thúc năm, tín dụng chỉ tăng chưa tới 4,3%, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng. Kinh doanh ngoại hối và vàng sau hai quý khởi sắc, lỗ trở lại 34 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB thừa nhận, vấn đề lợi nhuận là khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng trong năm qua. Hơn nữa, ông cho biết, năm 2013 nhà băng không đặt kế hoạch lợi nhuận lên hàng đầu mà chỉ đặt mục tiêu an toàn hệ thống và phát triển bền vững.
Lệ Chi