Trong trường hợp xuất hiện vấn đề cần phối hợp giữa các bộ, Thủ tướng nói: “Cần thiết thì hai bộ trưởng gặp nhau, có khi gặp nhau 10 phút giải quyết được, chứ cứ văn bản qua văn bản lại thì lâu lắm”.
Nhu cầu về ngân hàng tiết kiệm đã có từ lâu
"Bây giờ là thời đại thông tin, không có luật này không được. Công dân được quyền tiếp cận thông tin, xã hội càng minh bạch càng tốt, còn cái gì đáng giữ bí mật thì phải thật sự mật. Luật phải làm rõ cái gì được tiếp cận, cái gì không được" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đề cập về việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin) |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu trước Chính phủ về vấn đề xây dựng ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Ông Dũng nói hiện nay đa số người dân thiếu nguồn lực để có nhà ở. Việc tạo lập nhà ở chủ yếu dựa vào vay ngân hàng thương mại, nơi mà vốn cho vay không được nhiều. Vay mua nhà ở các nước lãi suất rất thấp, chỉ từ 1-3%, trong khi ở ta có gói 30.000 tỉ đồng lãi suất đến 6%. Vì vậy cần có các định chế chuyên biệt, ở Singapore có quỹ phát triển nhà ở, còn ở Việt Nam nên làm ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại và chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở. Vốn nhàn rỗi dùng mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để an toàn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng có thể đưa nội dung về ngân hàng tiết kiệm nhà ở vào Luật xây dựng (sửa đổi), nếu chưa phù hợp với luật thì thực hiện thí điểm.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng ngân hàng tiết kiệm nhà ở là chính sách rất quan trọng, nhưng có vấn đề về kỹ thuật và pháp lý. Ngân hàng tiết kiệm nhà ở cho vay với kỳ hạn dài, sẽ liên quan đến biến động lãi suất và biến động giá cả bất động sản, do vậy rất khó hoạt động nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Và nếu như có hỗ trợ của Nhà nước thì không thể hoạt động theo dạng ngân hàng thương mại, mà chỉ có thể là ngân hàng chính sách. Về pháp lý, đây là ý đồ tốt nhưng không dễ triển khai, nếu thấy có thể thì cần thí điểm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nhu cầu về ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã có từ lâu, “từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi tôi còn kiêm nhiệm thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi đó muốn tập trung để làm ngân hàng này, muốn Bộ Tài chính cấp 500 tỉ đồng để làm, nhưng làm một hồi không được vì không có nguồn hỗ trợ. Nếu muốn khuyến khích người thu nhập thấp vay thì phải dài hạn và lãi suất thấp, như vậy Nhà nước phải bù, làm một hồi thành ra ngân hàng thương mại”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chúng ta muốn làm mô hình này nhưng phải tính toán, về cơ sở của chính sách cần có đề án thí điểm, nếu khả thi thì thực hiện theo ngân hàng chính sách, trong khi nghiên cứu chưa kỹ mà đưa vào luật là không ổn.
Mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi hưu
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày có quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.
Trước áp lực về già hóa dân số, tuổi thọ tăng và khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình và đối với từng nhóm đối tượng để đảm bảo chuẩn bị tâm lý cho người lao động, cũng như không ảnh hưởng lớn đến việc làm của lao động trẻ.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất hai phương án. Một là từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Hai là tương tự như nêu trên nhưng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đều là 62. Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị lựa chọn phương án một.
VÕ VĂN THÀNH
Mở tối đa cho người nước ngoài mua nhà Một nội dung khác của Luật nhà ở (sửa đổi) được quan tâm thảo luận là việc mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm... phục vụ cho phát triển đất nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng không nên tư duy sợ người nước ngoài mua nhà rồi chiếm cứ này nọ. Hiện nay khối bất động sản tồn đọng chủ yếu là căn hộ cao cấp, nhiều biệt thự để trống, trong khi đó ta hội nhập sâu rộng hơn thì số lượng người nước ngoài vào định cư ở Việt Nam tăng lên. “Họ mua cũng chẳng chết ai, tại sao ta không thông thoáng hơn?” - ông Vinh nói. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt ra “cần mở tối đa”, theo đó loại trừ đối tượng bị kiểm soát an ninh, còn lại là được mua nhà, “tránh thò thụt rất khó quản lý”. Thủ tướng nói qua tìm hiểu ở Singapore “cứ nhập cảnh vào là mua nhà thoải mái, bán thoải mái nhưng thuế rất chặt, bỏ không ở cũng thu thuế”. |