Đưa nước mưa từ mái nhà xuống lòng đất được đề xuất như một giải pháp có thể phần nào khắc phục tình trạng nguồn nước ngầm đang cạn kiệt gây sụt lún và ngập lụt ở nhiều nơi ở TP.HCM.
Giếng khoan bổ cập nước thực nghiệm tại tòa nhà B8, ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Chí Nhân |
PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Kỹ thuật - Địa chất - Dầu khí (ĐH Bách khoa TP.HCM) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo vệ và phát triển nguồn nước dưới đất bằng nguồn nước mưa tại khu vực nội thành TP.HCM”. Đề tài đã xây dựng bản đồ khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất bằng nước mưa.
Nước ngầm mất 720.000 m3/ngày
| | Nhiều nước áp dụng Ở Mỹ, gần 1/3 lượng nước dùng trong sản xuất và sinh hoạt được lấy từ nguồn bổ sung nhân tạo; Mexico, Nhật Bản, Đức... dùng phương pháp bổ sung nước mưa để khắc phục hiện tượng sụt lún mặt đất; Israel, Mỹ, Ma Rốc... sử dụng giải pháp này để ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn. | |
|
TS Kỳ cho biết TP.HCM có 7 tầng chứa nước. Trong đó, 3 tầng đang được tập trung khai thác, mực nước dưới đất suy giảm mạnh, nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước và sụt lún bề mặt đất, ranh giới mặn tiến sâu vào đất liền. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, số lượng giếng khoan tập trung chủ yếu ở tầng chứa nước pleistocen (78.752 giếng), gồm nhiều tầng và có độ sâu trung bình từ 29,5 - 59,5 m và tầng chứa nước pliocen trên (17.010 giếng) với độ sâu trung bình từ 12,5 - 23,5 m. Tổng lưu lượng nước khai thác từ hai tầng này là 522.900 m3/ngày, chiếm 99,7% tổng lưu lượng khai thác nước trên toàn thành phố. Các bãi giếng khai thác nước chính của thành phố là bãi giếng Củ Chi (10.000 m3/ngày), Bình Trị Đông (12.000 m3/ngày), Gò Vấp (30.000 m3/ngày), Hóc Môn (80.000 m3/ngày), Bình Hưng (15.000 m3/ngày )... Tình trạng khai thác như vậy khiến mực nước ngầm những nơi này bị hạ thấp đáng kể. Nhiều nơi có tốc độ hạ thấp mực nước lên đến 2 - 5 m/năm.
TS Kỳ nhận định: Khả năng hấp thụ nước của các tầng chứa nước chính rất lớn. Hoàn toàn có thể tận dụng khả năng này để đưa nước mưa xuống bổ sung, đồng thời giảm lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt, góp phần hạn chế hiện tượng ngập và bảo vệ được nguồn nước dưới đất vô cùng quý giá cho mai sau.
Giải pháp là ưu tiên phát triển các hệ thống thu gom nước mưa từ mái nhà ở những khu vực có lượng mưa lớn nhất và địa hình trũng thấp như H.Bình Chánh, Q.6, Q.8, Q.12, khu vực Lê Minh Xuân, H.Hóc Môn và tại những khu vực cao như H.Củ Chi, Q.Thủ Đức, Q.Tân Bình, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp.
Thử nghiệm giải pháp
Không dừng ở các tính toán trên giấy, TS Kỳ đã xây dựng mô hình thực nghiệm ở tòa nhà B8 của ĐH Bách khoa. Với hệ thống thu gom nước mưa từ mái nhà diện tích 400 m2 vào bể lọc 1 m3, sau đó nước được chuyển vào bể chứa và điều tiết có dung tích 10 m3, từ đó nước được bơm xuống mạch nước ngầm qua giếng thu nước đường kính 200 mm, lượng nước mưa hấp thụ tối đa đạt 60 m3/giờ.
Sau hơn một năm thực nghiệm, mực nước ngầm ở khu vực này đã tăng 1 m. Đặc biệt, khi trộn lẫn nước mưa với nước của các tầng chứa nước không xảy ra các quá trình kết tủa muối. Đó là thuận lợi rất lớn cho quá trình bổ sung nước mưa qua giếng.
Từ kết quả này, TS Kỳ đánh giá việc thu gom nước mưa từ mái nhà để bổ sung cho nước ngầm hoàn toàn khả thi ở những công trình có mặt bằng tương đối rộng rãi, diện tích mái lớn và có hệ thống bể chứa điều tiết, giếng hấp thụ nước phù hợp. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị mới với các tòa cao ốc, biệt thự với diện tích mái nhà lớn... cũng là một điều kiện để thu gom lượng nước mưa sạch bổ sung trực tiếp cho các tầng chứa nước hoặc tích trữ sử dụng vào những mục đích khác như cứu hỏa, tưới cây, sinh hoạt vào mùa khô...
TS Kỳ cho rằng việc bổ sung nhân tạo cho nước ngầm đã được một số nước áp dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, các nước này thường sử dụng các giải pháp công trình tích trữ nước mưa, nước mặt dưới dạng hồ chứa, kênh đào từ đó cho nước thấm vào các tầng nước ngầm. Riêng nghiên cứu của ông đã đưa ra cách đưa trực tiếp nước mưa vào các tầng nước ngầm.
Trong khi đó, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM Phan Minh Tân nhận xét: “Việc dùng nước mưa bổ cập cho nước ngầm là một hướng tốt và kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề và quan điểm khác còn phải tiếp tục nghiên cứu mới có thể đưa vào thực tế như các giải pháp về mặt công nghệ, chất lượng nước mưa. Quan trọng hơn là đối với những người dân bình thường thì làm sao để người ta ủng hộ việc này cũng là một khó khăn. Tất cả những vấn đề đó, chúng tôi đang thảo luận để tìm hướng giải quyết”.
Chí Nhân