Khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều ông chủ dư dả sẵn sàng dùng tiền cá nhân để cấp vốn cho doanh nghiệp. Số khác tại tìm cách huy động từ tiền nhàn rỗi của cán bộ, nhân viên...
Từ năm 2011 đến nay, lãi suất ngân hàng liên tục được công bố hạ. Dẫu vậy, do thủ tục ngày càng chặt, nhiều doanh nghiệp vẫn than thở chuyện khó vay vốn. Trao đổi với VnExpress.net, ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết trở ngại nhất với doanh nghiệp lúc này chính là tài sản đảm bảo.
Theo ông Nam, hầu hết các tài sản của doanh nghiệp đã đem thế chấp cho các khoản nợ cũ nên không còn đủ điều kiện để vay các món mới. Số khác xin thế chấp bằng hợp đồng kinh doanh nhưng phía người cho vay cũng không tán đồng. “Ngân hàng không chấp thuận vì để đánh giá một hoạt động như vậy đòi hỏi rất kỳ công, do vậy họ vẫn cứ quan tâm đến tài sản đảm bảo vì nó chắc chắn hơn”, vị này nói.
Trước hoàn cảnh này, không ít chủ doanh nghiệp đã "tự thân vận động" để tìm ra vốn. Tại Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý (Mã CK: DNY), năm thành viên HĐQT đã cho công ty vay dài hạn 370 tỷ đồng, không tính lãi trong khoảng hơn hai năm, có thể luân chuyển trả nợ khi có nguồn thu và vay lại khi có nhu cầu. Theo đó, áp lực lãi vay trong những năm đầu đầu tư dây chuyền luyện cán thép công suất 250.000 tấn đã giảm đáng kể.
|
Nhiều ông chủ đã tự bỏ tiền túi cho doanh nghiệp mình vay hoặc huy động vốn từ nhân viên trong bối cảnh điều kiện cấp tín dụng thắt chặt. Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng |
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng còn khoản công nợ 100 tỷ đồng với lãnh đạo và người thân của các cá nhân này. Công ty cổ phần Ninh Vân Bay (NVT) tại ngày 30/6 cũng có khoản vay ngắn hạn gần 65 tỷ đồng từ ông Lê Xuân Hải - Chủ tịch HĐQT và các cá nhân liên quan.
Hay mới đây nhất, để "đại phẫu" mảng kinh doanh bất động sản, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng đặt cược chính tài sản cá nhân nhằm bảo lãnh cho Công ty An Phú - đóng vai trò là công ty xử lý nợ của tập đoàn - vay hơn 3.000 tỷ đồng từ công ty mẹ để thanh toán các khoản mua công ty con và xử lý các dự án bất động sản kém hiệu quả.
Không chỉ dùng nguồn lực tài chính của bản thân, chủ một số doanh nghiệp còn kêu gọi nguồn tiền nhàn rỗi từ chính nhân viên trong công ty. Chị Phượng (Hà Đông, Hà Nội) làm việc trong công ty phân phối hàng tiêu dùng cho biết, doanh nghiệp chị đang rao mức lãi suất khoảng 11-12% một năm cho các khoản vay kỳ hạn ngắn, cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Nhiều người tin tưởng vào lãnh đạo lại thấy lãi suất cao nên sẵn sàng mang tiền nhà cho công ty vay, thậm chí huy động thêm cả người thân.
Nhận định về phương thức tìm vốn trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là một điều rất đáng hoan nghênh với các chủ doanh nghiệp có khả năng tài chính, tự cho vay doanh nghiệp của mình trong bối cải các ngân hàng đang thắt chặt điều kiện cấp tín dụng.
Song, ông cũng lưu ý cả phía người cho vay và đi vay cần thận trọng với các khoản tín dụng "ngoài luồng" ngân hàng như trên. "Hợp đồng cho vay cần soạn thảo rõ ràng để khi diễn ra tranh chấp sẽ phải dựa vào những văn bản pháp lý. Về phía người đi vay (công ty) cũng phải quan tâm đến các điều kiện, bất chấp việc tín dụng do chủ doanh nghiệp cấp thì có thể điều kiện sẽ dễ dãi hơn so với ngân hàng", vị này cho biết.
Riêng với các khoản huy động vốn từ nhân viên, ông Hiếu cũng cảnh báo sẽ rủi ro lớn nếu doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn bởi khi trả nợ thì cổ đông, nhân viên sẽ là đối tượng ưu tiên cuối cùng, sau cơ quan thuế, nhà cung cấp và chủ nợ ngân hàng.
Do vậy, thiết nghĩ lúc này phương án tốt nhất vẫn là ngân hàng cần có thêm cơ chế để tạo thuận lợi cho người đi vay. Phát biểu trước Quốc hội ngày 31/10 vừa qua, tiến sĩ Trần Du Lịch cũng trực tiếp kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng có biện pháp cho vay với các doanh nghiệp có điều kiện làm ăn trả nợ, không để họ "chết vì thiếu vốn".
Phương Lin
h