Từ việc “lắng nghe” này liệu sẽ có những thay đổi cụ thể nào nhằm cải cách thủ tục trong thời gian tới? Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Lệ Nga - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - nói:
- Đối với những vướng mắc về chính sách, nếu trong thẩm quyền thì cơ quan thuế sẽ trả lời ngay. Những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính (BTC) và Tổng cục Thuế (TCT), Cục Thuế sẽ ghi nhận và có văn bản báo cáo ngay cho TCT và BTC để xem xét, giải quyết. Với những phản ảnh về việc thực thi công vụ của cán bộ thuế, thậm chí nêu đích danh tên cán bộ thuế thì ban lãnh đạo cục thống nhất sẽ chuyển giao cho phòng kiểm tra nội bộ Cục Thuế làm đầu mối phòng kiểm tra. Nếu đúng sẽ phải chấn chỉnh, thậm chí phải xử lý.
Còn liên quan đến những phản ảnh về thực thi công vụ của cơ quan thuế thì sau hội nghị đối thoại này cơ quan thuế sẽ ngồi lại. Cái gì người nộp thuế phản ảnh còn phức tạp, phiền hà thì cơ quan thuế sẽ tìm cách giải quyết sao cho thông thoáng, đem lại quy trình thuận lợi nhất.
* Vừa qua đối thoại với BTC, một số doanh nghiệp (DN) than, với cơ quan thuế họ như “cá nằm trên thớt”, đặc biệt khi tiếp xúc với cán bộ thuế tại các chi cục thuế quận huyện. Cơ quan thuế sẽ làm gì để kiểm soát việc thực thi công vụ tại các chi cục?
- Tiêu chí quan trọng nhất của tuần lễ lắng nghe là tinh thần cầu thị, cơ quan thuế xác định là phục vụ, đồng hành cùng người nộp thuế. Chủ trương này được quán triệt từ văn phòng Cục Thuế đến các chi cục. Tuy nhiên ở đâu đó còn một số bộ phận cán bộ thuế như người nộp thuế đã phản ảnh. Những phản ảnh của người nộp thuế về thực thi công vụ của cán bộ thuế, lãnh đạo cục sẽ có chỉ đạo sát sao cũng như kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện tại các chi cục thuế để làm sao chấm dứt tình trạng làm khó dễ DN.
Mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức tuần lễ lắng nghe này là để nghe người nộp thuế phản ảnh những khó khăn vướng mắc trong thực thi công vụ, từ đó nhận biết mình đang ở đâu để sửa chữa, khắc phục, chấn chỉnh.
* Vừa qua nhiều DN kêu vì chính sách thuế không thống nhất dẫn đến thiệt hại cho DN, điển hình là Công ty nhựa Bình Minh bị truy thu đến hơn 100 tỉ đồng. Qua tuần lễ lắng nghe này, Cục Thuế đề xuất gì với TCT và BTC để khắc phục bất cập trên, thưa bà?
- Cục Thuế là cơ quan thừa hành, trong quá trình thực hiện không thể làm khác các văn bản hướng dẫn của TCT, BTC. Tuy nhiên khi DN có ý kiến thì ngay lập tức Cục Thuế phải ghi nhận để báo cáo TCT, BTC xem xét, đồng thời nêu quan điểm của Cục Thuế trong từng vấn đề.
Về phía DN, nếu có vướng mắc có thể làm văn bản khiếu nại Cục Thuế, nếu giải quyết của Cục Thuế chưa thỏa đáng thì có thể khiếu nại lên TCT và BTC.
* Gần đây nhiều DN phản ảnh bất ngờ nhận được thông báo đòi nợ thuế dù đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế từ trước. Sau khi DN giải trình thì sai sót lại nằm ở cơ quan thuế, trong khi DN mất 1-2 tháng đi khiếu nại làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Phía cơ quan thuế sẽ làm sao để chấn chỉnh tình trạng này?
- Vừa qua nhiều DN phản ảnh số liệu về nợ đọng không thống nhất giữa DN và cơ quan thuế. Việc số liệu không thống nhất do nhiều nguyên nhân như DN đã nộp thuế nhưng luân chuyển chứng từ giữa kho bạc về bị chậm, hoặc DN đã nộp thuế tại các tỉnh nhưng chưa có xác nhận của các cơ quan thuế địa phương nên Cục Thuế vẫn treo số nợ thuế đó, hoặc do DN nộp sai tiểu mục... Để khắc phục tình trạng trên, hiện lãnh đạo Cục Thuế đã duyệt thông qua kế hoạch chuẩn hóa số liệu của cơ quan thuế. Chúng tôi sẽ làm thí điểm ở hai phòng tại Cục Thuế và một số chi cục để tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Lần này Cục Thuế làm với quyết tâm cao, làm sao chuẩn hóa số liệu để giảm bớt thời gian đi lại cũng như phiền hà cho DN.
ÁNH HỒNG thực hiện