Lục đục nội bộ
Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà
(Sudico) tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của Tổng công ty
Sông Đà, được thành lập năm 2001, do ông Phan Ngọc Diệp làm Tổng giám
đốc.
Đến năm 2003 được chuyển đổi thành công ty Cổ phần với số vốn điều lệ
là 30 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty là bất động sản.
|
Nam An Khánh có “cứu” được đại gia Sudico |
Ngay sau khi ra đời, Sudico đã khẳng định được mình khi trở thành chủ
đầu tư dự án Đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì. Đây được coi là một trong
những khi đô thị tiêu biểu nhất của Hà Nội và là 1 trong 10 khu đô thị
đẹp nhất Việt Nam.
Thành công của Đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì đã tạo đà cho Sudico trong
con đường kinh doanh bất động sản rộng mở. Chỉ chưa đầy một thập kỷ đi
vào hoạt động, Sudico liên tiếp mở ra nhiều dự án đô thị, dân cư và du
lịch sinh thái lớn khắp cả nước như: Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh
và phần mở rộng (tổng diện tích 233 ha), dự án khu nhà ở Văn La – Văn
Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân
– Nhơn Trạch - Đồng Nai (65ha); Các dự án đang trong quá trình đầu tư,
như dự án khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115ha), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng
(12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha)…
Năm 2006 cổ phiếu của SUDICO chính thức niêm yết trên Sàn chứng khoán
TP HCM. Sau 2 năm niêm yết, giá cổ phiếu của đã tăng từ 0,07 USD/cổ
phiếu lên 37 USD/cổ phiếu. Sudico luôn là một trong những cổ phiếu ở Top
“Bluechip” của Việt Nam.
Giấc mơ đưa Sudico trở thành Công ty kinh doanh bất động sản, địa ốc,
đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang
dần trở thành hiện thực….
Bắt đầu từ năm 2008, với những cuộc “thay tướng” trong nội bộ lãnh đạo
Sudico đã khiến cho việc làm ăn tại công ty này trở nên lục đục, sa
sút.
Cụ thể, ngày 6/10/2008, trong cuộc họp giao ban thường kỳ, Chủ tịch
Hội đồng quản trị Sudico Phan Ngọc Diệp (người đại diện phần vốn của
Tổng Công ty Sông Đà tại SUDICO) đã ra quyết định cho ông Vũ Đức Thuận
thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc SUDICO, và quyết định bổ nhiệm ông Vi
Việt Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Điều đáng nói, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng giám đốc của mình,
ông Vũ Đức Thuận đều mang lại doanh số lớn cho công ty. Cụ thể, năm
2007, Sudico đạt doanh thu 722 tỷ đồng, tăng 205% so với thực hiện năm
2006. Và, năm 2008, trong tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện thị
trường rất khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực bất động sản, Sudico vẫn xây dựng kế hoạch doanh thu là 1.286
tỷ đồng (bằng 193% so với kế hoạch 2007).
Đến năm 2011 lúc này, Sudico tiếp tục “trảm tướng” lần thứ hai khi ra
quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Vi Việt Dũng và đưa
ông Ngô Vĩnh Khương lên thay. Lý do của sự thay đổi lần này là do dưới
thời ông Dũng, kết quả sản xuất kinh doanh không được như mong muốn.
Trong khi đó, ông Dũng cho rằng, 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh
không được như kế hoạch ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường tài
chính có nhiều bất ổn, địa ốc suy giảm.
Để chấm dứt những mâu thuẫn nội bộ này, tháng 11/2011, Tập đoàn Sông
Đà (nay là Tổng công ty Sông Đà) đã quyết định bãi nhiệm chức vụ chủ
tịch Hội đồng quản trị đối với ông Phan Ngọc Diệp tại Sudico, điều
chuyển về giữ chức Phó Giám đốc Ban tổ chức nhân sự tập đoàn Sông Đà.
Tập đoàn Sông Đà cũng cử ông Hồ Sỹ Hùng (đang là Chủ tịch Hội đồng
quản trị Sông đà 6) về Sudico để ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng quản
trị thay cho ông Phan Ngọc Diệp.
Kinh doanh thua lỗ
Với nhiều sóng gió như lục đục về mặt nhân sự, kinh doanh thua lỗ liên
tiếp đã đẩy Sudico vào tình thế vô cùng khó khăn trong năm 2012, cổ
phiếu SJS của Sudico được đưa vào tình trạng giao dịch có kiểm soát. Nếu
2013, Sudico tiếp tục thua lỗ thì điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu
SJS buộc phải rời khỏi thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo tại đại hội đồng cổ đông 2013 của Sudico ngày 25/4, trong
cả năm 2012, Sudico chỉ thu hồi được 4 trong tổng số 238 tỷ đồng nợ của
12 đối tác. Công tác thu hồi công nợ không hiệu quả, cộng thêm khoản
lợi nhuận hợp nhất đã âm tới 303 tỷ đồng, các cổ đông của doanh nghiệp
này lo ngại mục tiêu lãi hơn 1.100 tỷ trong năm 2013 là khó khả thi,
nhất là trong điều kiện thị trường đang đóng băng.
Còn tại báo cáo tài chính sau soát xét năm 2012 của SJS, đơn vị kiểm
toán là Ernst & Young có lưu ý về khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh
doanh hợp nhất năm 2012 với số tiền 304,54 tỷ đồng.
Công ty và các công ty con còn có khoản lỗ lũy kế là 387,67 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2012, tổng dư nợ ngắn hạn của công ty và các công ty con
lên đến 2.255,17 tỷ đồng, vượt tổng số dư tài sản ngắn hạn có tính thanh
khoản cao (không bao gồm hàng tồn kho) với số tiền là 1.755,6 tỷ đồng.
Ngày 4/4, cổ phiếu SJS (Sudico) cũng đã bị sàn giao dịch chứng khoán TP HCM tạm ngừng giao dịch do thua lỗ 2 năm liên tiếp.
Với "mức án" này, dù ngày 11/4 cổ phiếu SJC đã được giao dịch trở lại
nhưng chỉ được giao dịch 15 phút cuối phiên, dưới hình thức bị kiểm
soát.
Hai nguyên nhân có thể dẫn tới việc rớt "đài" của Sudico là: Thứ nhất,
năm 2012 Sudico không có nguồn thu. Thứ hai, theo yêu cầu của kiểm
toán, Công ty phải trích lập hàng trăm tỷ đồng cho các dự án đang dang
dở. Muốn có nguồn thu thể hiện rõ trong hạch toán, cần có các hợp đồng
mua bán chứ không phải chỉ là hợp đồng góp vốn mua nhà.
Tiếc thay, hiện có tới 371 tỷ đồng người mua trả tiền trước ở các hợp
đồng vay vốn của nhà đầu tư mà thực chất là hợp đồng “bán lúa non” các
căn biệt thự Nam An Khánh. Để ký được hợp đồng mua bán, theo quy định
hiện nay dự án phải có đầy đủ hạ tầng và hoàn tất móng các biệt thự mà
việc này thì đang... chờ.
Còn về yêu cầu của kiểm toán với các dự án dang dở thì Dự án Khu đô
thị Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng được khuyến nghị phải trích lập dự
phòng gần 500 tỷ đồng. Dự án này từng là chủ đề gây tranh cãi nóng tại
Đại hội cổ đông của công ty hồi tháng 6/2012 khi Ban Kiểm soát đưa ra
báo cáo cho rằng, có những dấu hiệu sai phạm gây thất thoát lớn.
Sudico đã nhận chuyển nhượng dự án này từ một cá nhân với số tiền là
963 tỷ đồng từ năm 2010. Không có nguồn thu và các dự án sụt giá thảm
hại so với giá vốn ban đầu, Sudico đứng trước 2 “khe cửa” hẹp: Chưa hạch
toán để lỗ thấp năm 2012, song năm 2013 có thể lỗ khủng và buộc phải
rời sàn giao dịch chứng khoán hay hạch toán lỗ lớn ngay năm 2012 để hi
vọng mong manh năm 2013 có khả năng tạo doanh thu, có lãi để có thể trụ
lại?
Nam An Khánh có cứu được Sudico?
Sudico đành chọn “khe cửa” thứ hai, tức là trích lập dự phòng giảm giá dự án Khu đô thị Hòa Hải ngay trong năm 2012.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sudico cho biết: “Công ty
đã họp rất nhiều lần và ra quyết định, năm 2013, công ty phải tìm được
đối tác để chuyển nhượng dự án Hòa Hải. Bởi nếu triển khai dự án này, sẽ
không một tổ chức tín dụng nào cho công ty vay vốn”.
Theo tạm tính của các ngân hàng và công ty kiểm toán, dự án này hiện
chỉ có giá trị chưa đầy 500 tỷ đồng. Trong khi năm 2013, Sudico phải trả
nợ khoảng 900 tỷ đồng.
Lối thoát cho Sudico là phải đẩy mạnh hoạt động bán hàng và một trong
những dự án được Sudico “đánh cược” sự được – mất là Nam An Khánh.
Hội đồng quản trị công ty đã có nghị quyết về việc triển khai kinh
doanh từ 7 – 8 ha đất thương phẩm tại dự án này trong năm 2013 với giá
trị khoảng 1.500 tỷ đồng.
Công ty này cũng sẽ tiến hành thu hồi 220 tỷ đồng công nợ đối với phần
diện tích đất đã chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ phát đã phát sinh
trong các năm trước.
Trên thực tế, từ cuối tháng 3/2012, Sudico đã bắt đầu thực hiện triển
khai kinh doanh đợt 1 tại dự án Nam An Khánh và đã có khoản lợi nhuận dự
kiến từ 10 tỷ đồng – 20 tỷ đồng.
Sudico cũng đang tiến hành thoái vốn tại một số dự án hiệu quả thấp để
đảm bảo dòng tiền trong các năm tiếp theo (trong tháng 3/2012 đã thoái
vốn và thu hồi được 25 tỷ đồng góp vốn tại dự án Cactus Cam Ranh – Khánh
Hòa).
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Đức, Tổng Giám đốc Sudico cho
biết: “Quý 1/2013 Sudico đã có doanh thu tầm 70 - 80 tỷ đồng, là tiền đề
có lợi nhuận 16 tỷ đồng. Mặc dù đó là con số chưa phải là lớn, nhưng
sau 2 năm lỗ liên tiếp thì đây cũng là tín hiệu đáng mừng, đáng khích lệ
cho chúng tôi”.
Tuy nhiên, việc đặt cược vào dự án Nam An Khánh theo đánh giá của các
chuyên gia là rất khó khăn vì hiện thị trường bất động sản đang đi
xuống, nên dù mức giá đất tại dự án này hiện được rao bán khá rẻ (khoảng
18 triệu đồng/m2) nhưng việc người dân xuống tiền mua là rất khó khăn,
nhất là khi hạ tầng tại dự án này chưa được hoàn thiện.