Những chung cư cứ bão là... chạy Thái Bình:
Những chung cư cứ bão là... chạy
Hơn 10 năm nay, hàng trăm người dân sống
trong 5 khu chung cư cũ tại 2 phường Lê Hồng Phong và Quang Trung
(TP.Thái Bình) luôn sống trong cảnh lo lắng bởi sự xuống cấp của những
ngôi nhà này.
Mỗi khi bão cấp 9, cấp 10 về Thái Bình là người dân ở đây lại được lệnh của chính quyền đi sơ tán để bảo đảm an toàn.
Xuống cấp trầm trọng
Ngay từ cửa ngõ thành phố, nhìn từ phía đường Quang Trung vào phía đằng
sau của 2 khu chung cư tại phường Quang Trung không khác gì những...
ngôi nhà hoang. Vôi vữa đã bong tróc hết, chỉ còn trơ gạch cũ kỹ. Màu đỏ
loang lổ của gạch pha với màu xin xỉn của rong rêu khiến nhiều người
tưởng đã từ lâu không có người sống trong 2 ngôi nhà này. Trên tường,
rất nhiều cây xanh mọc lên, thậm chí có cả cây to, lá sum suê.
Ông Lại Văn Vinh - tổ trưởng tổ 40 (nơi ngôi nhà 5 tầng số 2 tọa lạc)
cho biết: “Các cầu thang đều bị nứt; thanh vịn bám cầu thang là những
thanh gỗ mục, nhiều chỗ đã bị gãy; nhiều nơi sắt thép bị han gỉ, lòi ra
cả ngoài. Tình trạng đang nằm ngủ mà bị vữa rơi xuống đối với chúng tôi
đã quá... bình thường; hệ thống thoát nước đường điện đã xuống cấp;
phòng tầng dưới hứng nước từ tầng trên rò rỉ xuống”. Theo tìm hiểu của
PV, các nhà tập thể này được xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, do
UBND tỉnh khi đó giao cho các ngành đầu tư để phân phối cho công nhân
viên chức. Tại phường Quang Trung, có 2 chung cư 5 tầng. Còn tại phường
Lê Hồng Phong, có 1 nhà 5 tầng và 2 nhà 4 tầng. Hiện các ngôi nhà này do
Cty TNHH một thành viên môi trường và công trình đô thị (gọi tắt là Cty
MT&CTĐT) quản lý, thu tiền thuê nhà. Theo Cty này, 5 khu chung cư
có 400 hộ dân với hơn 700 người đang ở.
Nhìn từ đằng sau, khu chung cư 5 tầng số 2 (phường Quang Trung) không khác gì một ngôi nhà hoang. Ảnh: Tất Thảo.
|
Cứ bão là... sơ tán
Chính vì xuống cấp như vậy, nên trong điều kiện sống bình thường, nguy
hiểm đã thường trực đối với người dân huống hồ khi bão. Hơn 10 năm nay,
cứ khi bão về Thái Bình, gió giật cấp 9, cấp 10 là những hộ dân tại các
khu này phải sơ tán tới nhà người thân hoặc những nhà kiên cố gần đó.
Ông Lại Văn Vinh cho biết: “Cứ có lệnh sơ tán của Ban chỉ huy phòng,
chống lụt bão TP.Thái Bình là chúng tôi dùng loa tay để thông báo với
người dân sơ tán”. Có năm, như năm 2010, người dân phải sơ tán 2 lần.
Những địa điểm sơ tán được tổ dân phố liên hệ trước. Khi có lệnh, ở trên
thành phố xuống có quân đội, công an, nhân viên Cty MT&CTĐT xuống
để tiến hành công tác di tản người dân. Người dân chỉ được phép mang
những vật dụng cần thiết, còn đồ đạc vẫn để ở trong nhà, sẽ được niêm
phong, bảo vệ. “Năm ngoái, có mấy thanh niên bị nghiện ở tổ 39 kiên
quyết không đi sơ tán, nên chúng tôi phải cưỡng chế. Khi người dân đã ra
hết rồi, thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chúng tôi sẽ tuần tra bảo
vệ. Sau đó, khi bão tan cũng phải có lệnh của Ban chỉ huy phòng, chống
lụt bão thành phố thì mới được trở về” - ông Vinh cho biết thêm.
Cô Đinh Thị Hồng (nhà D8, tầng 5, khu cao tầng số 2, P.Quang Trung) cho
biết: “Năm ngoái, cả nhà tôi sơ tán ở trường mầm non, mang nước để ăn mì
tôm, rồi ở đó 1-2 ngày mới được về”.
Đối với các hộ dân đang cư trú tại các nhà tập thể cao tầng thuộc phường
Lê Hồng Phong, thì Cty MT&CTĐT đề nghị thành phố chỉ đạo phường
mượn trường THCS, trường tiểu học Lê Hồng Phong và các cơ quan của tỉnh,
TP có trụ sở làm việc tại địa bàn phường, gần các nhà cao tầng để người
dân trú bão. Còn đối với 2 khu nhà cao tầng ở phường Quang Trung là các
địa điểm như trường CĐ sư phạm, trường mầm non Hoa Hồng...
Được biết, vào năm 1997, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND thị xã và
các cơ quan có CBCNV ở ngôi nhà cao tầng số 2 phải khẩn trương di
chuyển các hộ ra khỏi những căn hộ không an toàn trước ngày 10.8.1997.
Thế nhưng, sau đó, chẳng hộ nào thực hiện, bởi họ đều là những CNVC
nghèo, biết chuyển đi đâu? Hiện, Cty MT&CTĐT không thu tiền thuê nhà
của các hộ này. Còn đối với 4 nhà cao tầng khác, mức thu chỉ từ
500-1.400 đồng/m2/tháng.
Ông Phạm Văn Tân - Giám đốc Cty MT&CTĐT cho biết: “Tỉnh đã kêu gọi
các nhà đầu tư khu tái định cư nhưng chưa ai vào. Nhiều Cty lớn về khảo
sát nhưng chưa có động tĩnh gì hơn”. Ông giải thích: Nhu cầu về chung cư
ở Thái Bình là thấp, người dân chuộng mua lô, xây nhà hơn. Nếu xây nhà
tái định cư, thì vốn đầu tư lớn, bán chung cư chậm, nguồn thu ít nên
nhiều nhà đầu tư không mặn mà.
Theo Lao Động
|