Theo Chinhphu
|
"Bỏ quy định bắt buộc chứng thực giao dịch bất động sản là phù hợp". Ảnh Chinhphu.vn |
Đề
xuất hủy bỏ quy định bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch
về bất động sản và đổi thành “… thực hiện theo nhu cầu của
các bên” nêu trong dự thảo Luật Đất đai đang nhận được nhiều ý kiến
khác nhau. Dưới đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Đại Trưởng khoa Luật Dân
sự - Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh về vấn đề này. Quy
định công chứng, chứng thực đối với giao dịch về quyền sử dụng đất đã
được nêu trong Bộ Luật Dân sự và cụ thể hóa trong Luật Đất đai hiện
hành. Cụ thể, khoản 2, Điều 124 và khoản 2 Điều 401 Bộ Luật Dân sự yêu
cầu các giao dịch về quyền sử dụng đất phải có công chứng, chứng thực.
Trong Luật Đất đai hiện hành cũng quy định: việc
chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng (Điều 126, 127, 128, 130,
131), đây cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch liên quan đến bất
động sản.
Chính các quy định này đã làm phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn.
Cũng
không phủ nhận được rằng công chứng của chúng ta hiện nay bắt nguồn từ
hệ thống pháp luật của Pháp. Chỉ có điều, tuy học theo Pháp về công
chứng nhưng chúng ta đã “đi xa” hơn Pháp rất nhiều. Trong các loại hợp
đồng Việt Nam buộc phải công chứng hay chứng thực, thì ở Pháp chỉ yêu
cầu công chứng 2 trường hợp với ý nghĩa là điều kiện có hiệu lực của hợp
đồng đó là hợp động tặng cho và hợp đồng thế chấp bất động sản.
Nhìn
từ thực tiễn xét xử, Việt Nam có thể coi là nước “vô địch” về các hợp
đồng vô hiệu và những giao dịch bị tuyên bố vô hiệu vì lý do pháp luật
yêu cầu phải công chứng, chứng thực chiếm đa số. Quan sát thực tiễn xét
xử, chúng ta có thể khẳng định chính yêu cầu công chứng, chứng thực các
giao dịch về quyền sử dụng đất đã tạo ra “sự hỗn loạn” trong đời sống,
tạo cơ hội cho một bên bội ước với những cam kết đã được xác lập.
Trước
những bất cập nêu trên, tòa án cũng đã có nhiều hướng xử lý để ổn định
các quan hệ trong xã hội. Thực tiễn xét xử cho thấy, đôi khi tòa án phải
“bỏ qua” quy định yêu cầu phải công chứng, chứng thực giao dịch về
quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất như một điều kiện
bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực.
Một vụ việc được giám đốc thẩm năm 2012 đã khẳng định
điều này: Trước khi chết, cụ Minh chuyển nhượng 600 m2 đất cho ông Việt
và bà Hảo với giá 36 cây vàng. Bên bán đã nhận 22 cây vàng và chưa hoàn
tất thủ tục chuyển nhượng. Khi có tranh chấp, Tòa giám đốc thẩm đã cho
rằng “nếu cụ Minh ký tên thể hiện ý chí chuyển nhượng 600 m2 đất cho vợ
chồng ông Việt thì cần xác định cụ Minh đã chuyển nhượng một phần tài
sản của cụ nên 600 m2 đất này không còn là di sản để chia”.
Một
ví dụ khác, khi còn sống cụ Quế đã cho bà Ánh 978 m2 đất, nhưng giao
dịch tặng cho không có công chứng, chứng thực và Tòa giám đốc thẩm đã
xét rằng “khi còn sống, năm 1993 cụ Quế (chết năm 2001) cũng đã cho bà
Ánh 978 m2 đất nên cần xác định cụ Quế đã cho bà Ánh một phần tài sản
của cụ nên diện tích đất này cũng không còn là di sản để chia” (Quyết
định số 318/2012/DS-GĐT ngày 18/7/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân
tối cao).
Như vậy, trong những vụ việc trên, hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tuy không
được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn được
tòa án công nhận giá trị pháp lý để ổn định các quan hệ xã hội.
Luật Kinh doanh bất động sản cũng không bắt buộc chứng thực
Bên
cạnh đó, Quốc hội cũng đã từng thông qua một Luật theo hướng bỏ công
chứng, chứng thực bắt buộc và ghi nhận quyền được công chứng, chứng thực
đối với một số giao dịch bất động sản (trong đó có quyền sử dụng đất).
Cụ thể tại khoản 3, Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã quy
định “việc công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản do
các bên thỏa thuận”.
Với quy định này, các bên được quyền công chứng,
chứng thực giao dịch bất động sản (trong đó có cả giao dịch về quyền sử
dụng đất) để hưởng những ưu điểm của công chứng, chứng thực. Ngược lại
nếu hợp đồng không được công chứng, chứng thực thì giao dịch bất động
sản cũng không bị vô hiệu và các bên cũng không bị bắt buộc phải thực
hiện. Như vậy, Luật kinh doanh bất động sản đã chuyển nghĩa vụ công
chứng, chứng thực thành quyền công chứng chứng thực giao dịch.
Nghiên cứu, so sánh cho thấy pháp luật hiện hành của
chúng ta trong đó có luật đất đai đã yêu cầu một cách thái quá giao dịch
về quyền sử dụng đất phải công chứng, chứng thực. Hiện nay, việc yêu
cầu các giao dịch về quyền sử dụng đất đang là nguyên nhân của nhiều
giao dịch bị tuyên bố vô hiệu mặc dù ý chí của các bên là hoàn toàn tự
nguyện và rất rõ ràng. Trong khi đó, giao dịch (hợp đồng) sinh ra không
phải là để bị tuyên bố vô hiệu mà là để thực hiện phù hợp với ý chí của
các bên.
Thiết nghĩ, công chứng, chứng thực bắt buộc hiện nay
gây ra quá nhiều bất cập nên việc chuyển công chứng, chứng thực bắt buộc
thành công chứng, chứng thực tự nguyện như phương án 2 nêu trong dự
thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là rất thuyết phục và nên được phát triển,
tôi hy vọng Quốc hội sẽ thông qua phương án này.
Không "sợ loạn"
Trước
những ý kiến cho rằng việc bỏ công chứng, chứng thực bắt buộc thì sẽ
"loạn”. Tôi cho rằng, người có ý kiến này đã quá đề cao quy định bắt
buộc công chứng, chứng thực giao dịch về quyền sử dụng đất.
Thực
ra, không có giải pháp nào là không có ưu và nhược điểm, nhưng việc quy
định công chứng, chứng thực bắt buộc như hiện nay có nhiều nhược điểm
hơn việc chuyển sang công chứng, chứng thực tự nguyện.
Cho nên, pháp luật chỉ nên quy định quyền công chứng,
chứng thực của người tham gia giao dịch quyền sử dụng đất. Nghĩa là,
khi người tham gia giao dịch có nghi ngờ đối với giao dịch về quyền sử
dụng đất mà họ muốn xác lập, họ có thể yêu cầu sự trợ giúp của công
chứng viên công chứng, chứng thực giao dịch của họ.
Bởi lẽ, Luật
Công chứng đã quy định rõ “công chứng là việc công chứng viên chứng
nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn
bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức
tự nguyện yêu cầu công chứng” (Điều 2).
Hơn nữa, nếu có sự gian lận trong giao dịch về quyền
sử dụng đất thì hiện nay chúng ta đã có cơ chế để bảo vệ người ngay
tình, vì pháp luật dân sự đã có chế tài cho người gian lận thông qua quy
định về giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn, do lừa dối hay do giả tạo.
Bên
cạnh đó, chúng ta cũng có quy định chuyên biệt trong pháp luật đất đai
để chống lại gian lận cũng như tạo sự ổn định trong xã hội, như: cho
phép người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển
nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế
chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: có
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không có tranh chấp;… khi tham
gia giao dịch (khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai).
PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh