Doanh nghiệp bất động sản tính kế khác để sinh nhai
80% doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng
khoán đều sụt giảm lợi nhuận trong năm 2012. Nhiều đại gia phải trông
chờ vào ngành kinh doanh khác để tồn tại.
Đầu tháng 3/2013, 60 trên 66 doanh nghiệp bất động sản
niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM công bố báo cáo tài
chính hợp nhất năm 2012, theo số liệu thống kê của VNDirect. Trong đó,
11 doanh nghiệp báo lỗ, nhiều hơn năm 2011 hai đơn vị. Những công ty còn
lại có lãi thì có tới 80% đơn vị giảm lợi nhuận so với năm 2011.
Tổng lợi nhuận sau thuế toàn ngành bất động sản niêm
yết đạt gần 3.263 tỷ đồng, chỉ bằng 78% của năm 2011. Lỗ nặng nhất năm
2012 phải kể đến Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), 487 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm ngoái, Đô thị Kinh Bắc lãi gần 78 tỷ đồng. Trên sàn giao
dịch năm qua, cổ phiếu KBC cũng rớt 23% giá, xuống còn 9.300 đồng, tính
theo giá đóng cửa ngày 1/3.
Đơn vị gánh lỗ "khủng" thứ hai là Công ty cổ phần Đầu
tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS) khi bị
âm hơn 302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 2012. Trước đó, hồi năm 2011,
Sudico cũng bị lỗ gần 80 tỷ đồng.
|
Năm 2012 được xem là thời điểm khó khăn nhất của bất động sản. Ảnh: Vũ Lê |
Báo lãi lớn 2012 chủ yếu là những doanh nghiệp niêm
yết thuộc hàng blue-chip trên sàn như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vingroup
(VIC) hay Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Việt Nam (CII), tổng lợi nhuận sau
thuế đều đạt hàng trăm tỷ đồng trở lên. Riêng Vingroup “thắng lớn” với
1.846 tỷ đồng, tăng gần 72% so với năm 2011 bất chấp tình hình khó khăn
chung của toàn ngành.
Lãi trên trăm tỷ, lợi nhuận sau thuế 2012 của Hoàng
Anh Gia Lai vẫn chỉ bằng 27% của năm 2011. Chung xu thế có lãi nhưng
không nhiều, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Nhà Từ Liêm (NTL) cũng
đạt 53,3 tỷ đồng, chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã
tồn kho 65.570 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước. Hơn nửa doanh
nghiệp có trị giá hàng tồn kho tăng, trong đó Tập đoàn Đại Dương (OGC)
dẫn đầu với hơn 249 tỷ đồng, năm 2011, hàng tồn kho của đơn vị này chỉ
vỏn vẹn 56,5 tỷ đồng.
Theo ông Lê Chí Hiếu,
Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức (TDH), 2012 là năm khó khăn
nhất từ trước đến nay của ngành bất động sản. Riêng lợi nhuận của Nhà Thủ Đức cũng giảm 50%, chỉ đạt 15 tỷ đồng trong năm 2012.
"Nguyên nhân chính là nhà cửa, đất đai không bán được,
doanh nghiệp bị chôn vốn, dẫn đến thiếu vốn. Khó khăn chồng chất, thị
trường chứng khoán lại liên tục đi xuống trong thời gian dài khiến các
danh mục đầu tư giảm giá, kéo theo lợi nhuận bết bát", ông Hiếu phân
tích.
Để cứu vãn doanh nghiệp khỏi tình cảnh sụt giảm lợi
nhuận như năm qua, ông Hiếu chia sẻ, công ty sẽ phải tập trung vào những
dự án còn dở dang từ năm 2011, đồng thời tìm cách tiêu thụ sản phẩm tồn
kho. Mặt khác, Nhà Thủ Đức còn tham gia đầu tư xây lắp hạ tầng kỹ
thuật, mở rộng kinh doanh nông sản, dựa trên chợ đầu mối có sẵn, doanh
nghiệp sẽ xuất nhập khẩu nông sản, liên kết những vùng nông nghiệp, mua
bán nông sản và hỗ trợ nông dân. Công ty có thể kinh doanh thêm mặt hàng
phân bón để tạo doanh thu, lợi nhuận hàng năm chợ đầu mối đem lại
khoảng 10 tỷ đồng, ông Hiếu nói.
Vị tổng giám đốc Nhà Thủ Đức cho biết mục tiêu lợi
nhuận 2013 có thể sẽ cao hơn 2012, nhưng cũng chỉ ở mức tương đối. "Dù
vậy, chúng tôi sẽ phải cố gắng phục hồi vì 2 năm qua, cổ đông luôn ở
trong tình trạng đón nhận lợi nhuận kém", ông Hiếu khẳng định. Cũng theo
ông Hiếu, nhìn chung, thị trường bất động sản 2013 vẫn tiếp tục khó
khăn, nhưng có thể phục hồi nhẹ vào cuối năm.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) may mắn thoát
lỗ và thu lãi 9 tỷ đồng do có lốc chung cư bán sỉ từ năm 2010 nhưng đến
2012 mới giao. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị công
ty khẳng định: "Nếu không có món lợi nhuận hạch toán muộn này, Quốc
Cường Gia Lai vẫn bị lỗ năm 2012".
Ngoài ra, công ty cũng còn phải dựa vào các ngành nghề
khác như thuỷ điện, cao su, chế biến gỗ… Lợi nhuận thu được từ những
lĩnh vực này không nhiều nhưng cũng phần nào bù đắp lỗ cho Quốc Cường
Gia Lai, bà Loan bày tỏ.
Bà Loan chia sẻ nếu bất động sản tiếp tục khó khăn
trong 2 năm nữa, Quốc Cường Gia Lai sẽ phải đẩy mạnh kinh doanh các
ngành nghề khác để bù đắp lợi nhuận. "Nếu các doanh nghiệp địa ốc không
đa dạng hoá sản phẩm, vị trí không phù hợp thì rất khó tồn tại", bà Loạn
nói thêm.
Chuyên gia kinh
tế Vũ Đình Ánh nhận định, mặc dù lợi nhuận các doanh nghiệp địa ốc giảm
hơn so với 2011, nhưng việc các công ty vẫn còn trụ vững đã là đáng
khích lệ vì kinh tế 2012 vô cùng khó khăn. Chưa kể, năm qua cũng đã có một số doanh nghiệp bất động sản phải chuyển sang kinh doanh hoạt động khác để kiếm thêm lời.
Để bất động sản khả quan hơn, các chính sách hỗ trợ
của chính phủ phải được triển khai và đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, những
chính sách ấy cũng chỉ gỡ cho doanh nghiệp một phần, cái chính phải là
sự nỗ lực của doanh nghiệp. Lúc này doanh nghiệp cần biết cách huy động
nguồn lực, định hướng lựa chọn thị trường mục tiêu sao cho phù hợp, đồng
thời cơ cấu lại đội ngũ quản trị, kiểm soát chi phí. Dù vậy, đối với
một số doanh nghiệp nếu thấy không thể cơ cấu lại thì nên dũng cảm rút
khỏi thị trường, chớ núi kéo khi không còn triển vọng, ông Ánh phân
tích.
Ngoài ra, ông Ánh dự đoán, lĩnh vực bất động sản có
thể sẽ ấm hơn ở phân khúc nhà ở thu nhập thấp, trị giá trên dưới 1 tỷ
đồng. Tuy nhiên, các phân khúc khác nhu cầu của thị trường cũng vẫn còn
nếu có địa điểm đẹp.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hàng tồn kho cả nước
hiện có khoảng hơn 16.000 căn hộ chung cư, trên 4.000 nhà thấp tầng và
gần 26.000m2 nhà văn phòng cho thuê. Trước đó, cuối tháng 12/2012, UBND
TP Hà Nội cho biết, tồn kho nhà chung cư tại Hà Nội (chưa bán hoặc chưa
huy động vốn) là 5.789 căn, tương đương 566.610m2 sàn. Biệt thự, liền kề
tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn
khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn
khoảng 175.000 m2.
Tường Vi - Hồng Châu
|