Ông lớn ngân hàng đồng loạt thu phí nội mạng ATM
Các ngân hàng chiếm thị phần lớn như Vietcombank, BIDV,
Agribank... sẽ thu phí rút tiền nội mạng ngay từ ngày 1/3, trong khi
nhiều đơn vị nhỏ hơn lại miễn phí để có thêm khách.
Theo công bố của Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng
Nhà nước) Bùi Quang Tiên, 22 ngân hàng cho biết chưa thu phí giao dịch
trên ATM với chủ thẻ của mình. Phần lớn trong số này đều là ngân hàng
quy mô vừa và nhỏ.
Khảo sát thực tế của VnExpress.net cho thấy, các ngân
hàng có vốn nhà nước và chiếm lĩnh thị phần thẻ đều thu phí kịch trần
1.000 đồng cho mỗi lần rút tiền nội mạng.
|
Nhiều ông lớn ngân hàng bắt đầu thu phí từ 1/3. Ảnh: Thanh Lan |
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam
(Vietcombank) là đơn vị đầu tiên thông báo điều chỉnh phí ATM. Từ ngày
1/3 phí rút tiền mặt trong hệ thống là 1.100 đồng mỗi giao dịch (đã tính
VAT). Với thẻ Vietcombank Connect 24, ngân hàng này cũng thu thêm phí
truy vấn số dư, in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản 550 đồng,
phí chuyển khoản với loại thẻ này tăng lên 5.500 đồng, thay vì hơn 3.300
đồng như hiện nay.
Bà Lê Thị Kim Thu, Giám đốc trung tâm thẻ BIDV cũng
cho hay, từ ngày 1/3, nhà băng bà sẽ triển khai thu phí giao dịch ATM
nội mạng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mức phí và lộ trình được
thực hiện theo đúng quy định.
"Tuy nhiên, BIDV sẽ có những chính sách riêng như giảm
hoặc miễn phí giao dịch để hỗ trợ cho những nhóm khách hàng như học
sinh, sinh viên, lao động thu nhập thấp...", bà Thu nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Minh
Phương, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn (Agribank) cho hay, nhà băng ông sẽ thu phí rút tiền nội mạng nhưng
mức thu thấp hơn quy định tối đa một chút, tức 1.000 đồng cho một giao
dịch, đã tính thuế VAT. Ngoài ra, Agribank - đơn vị đang có khoảng hơn
10 triệu thẻ trên thị trường này cho biết sẽ thu phí từ ngày 15/3 thay
vì 1/3.
Trong khi đó, để chia sẻ với khách hàng, một "ông lớn"
trong lĩnh vực thẻ như DongA Bank lại thông báo tiếp tục không thu phí
ATM nội mạng trong năm 2013. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA
Bank cho rằng, nhà băng ông hiện có số lượng thẻ phát hành đã lên đến
con số 6 triêu, nếu thu phí sẽ có thêm một nguồn doanh thu không nhỏ.
"Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn
như hiện nay, mọi người đều phải thắt lưng buộc bụng, nhất là đối với
nông dân, công nhân nghèo, thì 1.000 đồng cũng có giá trị", ông bộc
bạch.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, ngân hàng cũng đang khuyến
khích người dân sử dụng thẻ để tiếp cận với những tiện ích hiện đại
trong giao dịch tài chính. Vì vậy, dù ủng hộ chủ trương thu phí giao
dịch ATM nội mạng, DongA Bank vẫn tạm thời chưa thu loại phí này để tăng
thêm hỗ trợ đối với khách hàng.
“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nâng cao chất
lượng dịch vụ, đặc biệt là với hệ thống ATM để cung cấp thêm nhiều tiện
ích mới cho khách hàng, để trong tương lai, mỗi đồng tiền khách hàng trả
cho một lần giao dịch trên máy ATM của DongA Bank đều xứng đáng”, ông
Trần Phương Bình nhấn mạnh.
Hầu hết các ngân hàng chiếm thị phần thẻ không nhiều
như SHB, TienPhong Bank, BaoVietBank, NamA Bank, MDB... đều tuyên bố
tiếp tục bù lỗ và miễn phí giao dịch ATM. Theo lãnh đạo TienPhong Bank,
việc thu phí nội mạng không có bất kỳ khó khăn nhưng để mở rộng cơ sở
khách hàng sử dụng thẻ, ngân hàng vẫn không thu phí và mở rộng hệ thống
thanh toán POS. Còn BaoViet Bank cho biết sẽ nâng hạn mức rút tiền mỗi
giao dịch lên lần lượt 3, 5 và 15 triệu đồng với thẻ hạng chuẩn, hạng
vàng và thẻ VIP.
Trước đó, ngay khi Thông tư 35 được ban hành, nhiều
nhà băng như Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Nam Á và Ngân hàng Phát
Triển Mê Kông (MDB) cũng cho biết duy trì chính sách miễn phí với các
giao dịch ATM.
Tại cuộc họp báo hôm 27/2, ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ
tịch Hội Thẻ Việt Nam - cho biết dù có thu phí thì các ngân hàng vẫn
tiếp tục phải chịu lỗ. ""Riêng Vietcombank, nếu thu phí trong kỳ này thì
ngân hàng chỉ giảm được 1.000 đồng chi phí và vẫn phải bù lỗ 6.000
đồng", ông Tuân lấy ví dụ.
Lệ Chi - Thanh Lan