Ngân hàng VietinBank rao bán siêu dự án trụ sở hơn 10.000 tỷ đồng Đại diện ngân hàng VietinBank cho biết ngân hàng ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ siêu dự án trụ sở ngân hàng trị giá 10.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 16.800 tỷ đồng.Sáng ngày 16/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Báo cáo tại đại hội, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết ngân hàng ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ siêu dự án VietinBank Tower và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở. Dự án VietinBank Tower được ngân hàng khởi công xây dựng từ năm 2010 tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng và được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng. Đồ họa dự án VietinBank Tower được ngân hàng công bố - Ảnh VietinBank Tuy nhiên khó khăn về nguồn vốn khiến đến siêu dự án hơn 10.000 tỷ đồng của VietinBank vẫn chưa thể hoàn thiện. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2018, ngân hàng đã thông qua chủ chương về việc đến hết năm 2020 cơ cấu lại dự án theo một trong ba phương án, trong đó ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản/dự án và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở. Trong quá trình tìm đối tác, VietinBank vẫn tiếp tục triển khai đầu tư dự án, thúc đẩy tiến độ. Cuối năm 2020, ngân hàng đã điều chỉnh thời hạn thực hiện dự án đến Quý 2/2025. Đại diện VietinBank cho biết, tính đến hết quý 1/2021, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm dự án, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định Dự án. Đã có 2 Nhà đầu tư có đề xuất tài chính sơ bộ và một số NĐT có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính. Về lý do siêu dự án VietinBank Tower 10.000 tỷ chưa về đích vào cuối năm 2020, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết, có nhiều lý do dẫn tới việc chưa đạt được mục tiêu cơ cấu Dự án đúng thời hạn được ĐHĐCĐ phê duyệt (đến hết 31/12/2020). Trong đó nguyên nhân chính là năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội dẫn tới gián đoạn quá trình làm việc với các Nhà đầu tư. Đồng thời, dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hoạt động thương mại, hội nghị, hội họp,… dẫn tới sự điều chỉnh về chiến lược, phương thức và kế hoạch đầu tư của một số Nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, trung tâm thương mại. Dù bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020, VietinBank đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất của của ngân hàng đạt hơn 17.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng tài sản được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 132%. VietinBank cũng đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo dự kiến. Ngân hàng VietinBank dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 là 16.800 tỷ đồng Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 11%, lên 990.331 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 9% lên hơn 1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,16% xuống 0,94%. Trong năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 6-10%; dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, tăng trưởng tối đa 7,5%. Nguồn huy động vốn tăng trưởng 8-12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%. Dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 là 16.800 tỷ đồng, chỉ cao hơn 400 tỷ so với năm 2020. Ngân hàng cũng cho biết lợi nhuận được điều chỉnh theo phê duyệt của Cơ quan có thẩm quyền. Nguồn: http://danviet.vn/ngan-hang-vietinbank-rao-ban-sieu-du-an-tru-so-hon-10000-ty-dong-5020211744582...
|