Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt quy định "lạ" được
ban hành, đề xuất. Từ quy định "xe chính chủ", "thịt 8 giờ"... cho đến
gần đây nhất là ý tưởng "nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy kết
hôn". Những quy định "thiếu tính thực tế", "không khả thi" được đưa ra
liên tiếp khiến người dân ngơ ngác. Không ít người nhớ đến những quy
định từng "gây sóng gió" trong dư luận như "ngực lép không được lái xe",
"đi xe theo ngày chẵn lẻ".
Mặc dù đều xuất phát từ ý thức muốn giải quyết các tồn tại của xã
hội, nhưng những quy định kiểu "trời ơi" này dường như lại có tác
dụng... ngược. Người dân lo lắng, hoang mang, trong khi cơ quan chức
năng bối rối, không biết phải thực thi nhiệm vụ như thế nào.
Tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng phải trình giấy kết hôn
"Nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn" là một
nội dung trong tiêu chuẩn xây dựng nhà hàng, tiệc cưới văn hóa giai đoạn
2012-2015 được Sở VH-TT&DL Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lấy ý kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM, quy
định này được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức đám cưới giả,
cũng như để bảo vệ quyền lợi hai bên nam nữ.
Phần
lớn các ý kiến được hỏi đều cho rằng nội dung "nhà hàng chỉ tổ chức
tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn" không phù hợp với thực tế (Tranh
minh họa: Pháp luật TPHCM)
Làm một cuộc khảo sát nhỏ với người dân và các nhà hàng, các ý kiến
ghi nhận được đều cho rằng nội dung này không phù hợp với thực tế.
Nhiều người cho rằng tổ chức tiệc cưới mang ý nghĩa truyền thống, văn hóa; Còn đăng ký kết hôn lại thuộc về phương diện pháp lý.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (CTV Thư Viện Pháp
Luật - Công ty Lawsoft) cho rằng: “Nhà hàng không phải là cơ quan quản
lý nhà nước để có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn”.
Chưa rõ quy định này có được áp dụng vào thực tế hay không. Nhưng nó
đang khiến người dân liên hệ đến nhiều quy định khác đã bị thu hồi hoặc
tạm dừng do thiếu tính khả thi, thậm chí là nực cười.
“Xe chính chủ”: Tạm dừng xử phạt nhưng vẫn lo
Nghị định 71/2012 của Chính phủ có đề cập đến nội dung về xử phạt ô
tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ đã
khiến hàng triệu người như “ngồi trên đống lửa”.
Thực chất đây không phải là quy định mới, nội dung này đã được đề cập
đến trong nhiều văn bản pháp lý từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chỉ đến
khi Nghị định 71 được ban hành, trong đó nâng mức xử phạt đối với hành
vi này, người dân mới… giật mình.
Theo Phòng CSGT (CATP Hà Nội), hành vi mua bán ô tô, xe máy nhưng
không làm thủ tục sang tên chuyển chủ sở hữu đã diễn ra từ rất lâu. Điều
này làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác quản
lý, gây trở ngại lớn trong việc điều tra giải quyết các vụ án hình sự,
tai nạn giao thông cũng như xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao
thông.
Theo Nghị định 71, từ 10/11, chủ xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ sẽ bị phạt nặng (Ảnh minh họa)
Nhiều điểm chưa hợp lý đã lộ ra khi Nghị định 71 được ban hành và đi
vào thực tế. Nhiều người dân lo lắng, không biết có tìm được “chủ xe” để
sang tên đổi chủ hay không. Trong khi đó, CSGT vẫn loay hoay không biết
phải xử lý người vi phạm như thế nào.
Trong cuộc họp báo của Chính phủ tháng 11/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Việc xử phạt hành vi không
"sang tên" phương tiện vừa qua bị chuyển thành truy vấn người điều khiển
có phải chủ phương tiện không. Trong lúc chờ soạn thảo lại thông tư,
CSGT không được xử phạt xe không chính chủ”.
Trước thắc mắc của người dân về mức phí khi sang tên đổi chủ vẫn còn
cao và thủ tục phức tạp, ông Đam cho biết, Chính phủ đã giao các bộ xem
xét để có mức phí phù hợp và thủ tục đơn giản hơn.
Chó, mèo cũng phải "chính chủ"
Trước tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, nuôi thả chó mèo gây nguy cơ
tử vong vì bệnh dại cao, Bộ NN&PTNT vừa ban hành kế hoạch khống chế
và loại trừ bệnh dại năm 2012 với những hành động cụ thể.
Theo đó, các cấp chính quyền và ngành thú y phải lập sổ theo dõi số
lượng chó, mèo nuôi, số hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn. Thành lập các
đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông. Số chó, mèo bị bắt này sẽ được theo
dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Sau 72 giờ, nếu không có
người đến nhận sẽ tiến hành tiêu hủy. Theo quyết định này, tất cả số
chó, mèo trên toàn quốc sẽ phải đăng ký để quản lý.
Theo quyết định này, tất cả số chó, mèo trên toàn quốc sẽ phải đăng ký để quản lý (Ảnh minh họa)
Nhiều người lên tiếng ủng hộ cách làm này nhưng cũng không ít người
lo lắng điều này sẽ gây phiền toái. Hơn nữa, loài vật này thường biến
động liên tục. Vậy chính quyền có đủ sức để thống kê, đánh số liên tục
hay không?
Bên cạnh đó, việc lập đội đặc nhiệm chuyên vợt chó, mèo thả rông sẽ
khó cho cả người đi bắt và người nuôi, nhất là trong thời gian này, nạn
trộm chó hoành hành tại nhiều nơi.
Nói về quy định "tiêu hủy" chó, mèo vô chủ sau 3 ngày, Cục Thú y (Bộ
NNPTNT) cho biết sẽ có ý kiến để sửa đổi bởi quy định này không mang
tính nhân văn.
Quy định tiệc cưới 50 mâm "bị hủy bỏ"
Tại Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội ngày 28/9, Trưởng ban Tuyên giáo
Thành ủy Hồ Quang Lợi chỉ ra việc cưới ở Hà Nội có lúc có nơi chưa tuân
thủ tinh thần trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm.
Do đó Ban Tuyên giáo đề xuất một số quy định cụ thể với cán bộ, đảng
viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố trong
việc cưới của bản thân và gia đình họ. Trong đó có nội dung chỉ được tổ
chức dưới 50 mâm cỗ. Ngoài ra, không tổ chức cưới nhiều lần, nhiều ngày
và ăn uống ở những nơi sang trọng, tốn kém.
6 ngày sau, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11 “về việc tiếp tục
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố”,
trong đó quy định cán bộ, đảng viên, lãnh đạo tổ chức cưới không quá 300
khách mời, thay cho quy định chỉ được tổ chức dưới 50 mâm cỗ trước đó.
Không ít chuyên gia, thậm chí là cán bộ lo ngại về tính khả thi của
chỉ thị này, bởi đây không chỉ là mệnh lệnh hành chính trên bảo dưới
nghe, mà còn liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội. Làm cỗ to không hẳn
là để ra oai, mà đôi khi còn để "trả nợ miệng".
“Thịt 8 giờ”: Ra luật vội vàng, thu hồi nhanh chóng
Để hạn chế tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động,
ngày 20/7/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông
tư 33 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ
sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống
dùng làm thực phẩm.
Thông tư nêu rõ: “Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ”.
Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ (Ảnh minh họa)
Sau một tháng ban hành Thông tư 33, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp
Kỉnh Tần nhận xét: “Về quy định chỉ được bán thịt và phụ phẩm động vật
trong vòng 8 giờ, dư luận phần đông cho rằng thiếu tính khả thi. Nói
chung, mục đích thì rất tốt nhưng rất khó thực hiện, bởi khó làm cách
nào để xác định được 8 giờ, ai kiểm tra, ai kiểm soát, chế tài, xử lý
ra sao… Rồi nếu phát hiện quá 8 giờ thì tiến hành thu hồi, tiêu hủy thế
nào, kinh phí ở đâu…?”.
Cũng theo Thứ trưởng Tần, cơ quan soạn thảo Thông tư phải thẳng thắn
tiếp thu những bất cập, cần nghiên cứu kỹ để cái gì không hợp lý,
thiếu tính khả thi sẽ sửa, cái nào thừa thì bỏ đi.
Về trách nhiệm của những người liên quan đến việc ban hành Thông tư
33, trong cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý
vật tư nông nghiệp diễn ra chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Cao Đức Phát khẳng định: “Với việc đưa ra Thông tư 33 một cách vội
vàng, thiếu sót, các đơn vị và cá nhân liên quan sẽ phải
kiểm điểm và chịu hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi
phạm”.
Đi xe theo ngày… chẵn, lẻ
Liên quan đến việc hạn chế xe ô tô cá nhân, năm 2011, Sở Giao thông
Vận tải TP.HCM đã có “sáng kiến” gây nhiều tranh cãi, đó là đề nghị
nghiên cứu giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm
thành phố theo cách xe số chẵn đi... ngày chẵn (thứ hai, thứ tư, thứ
sáu), xe số lẻ đi... ngày lẻ (thứ ba, thứ năm, thứ bảy). Riêng ngày Chủ
nhật, tất cả các phương tiện đều được phép vào khu vực trung tâm.
Ngay sau khi “giải pháp” chống ùn tắc này được đưa ra, dư luận đã
phản ứng khá gay gắt vì cách làm này gây khó cho người dân và thiếu
tính thực tiễn. Thậm chí, quy định này còn gây khó dễ cho ngay cả lực
lượng CSGT. Cuối cùng, "sáng kiến" đi xe theo ngày chẵn, lẻ đã bị tạm
gác lại.
"Sợ hết hồn" trước quy định “ngực lép” không được lái xe
Năm 2008, người dân được một phen “lao đao” trước quyết định “Về việc
ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ
giới đường bộ” của Bộ Y tế.
Theo tiêu chuẩn này, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45
m, trọng lượng dưới 40 kg) không được cấp bằng lái xe máy trên 50cc.
Chưa hết, người dân còn “choáng” hơn trước định về... bộ ngực: Người có
vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1,
nghĩa là cũng không được đi xe trên 50 cc.
Quy định "'ngực lép' không được điều khiển xe máy" từng gây nhiều phản ứng (Tranh minh họa)
Quy định này ngay lập tức bị phản ứng. Trong một cuộc trưng cầu ý
kiến độc giả, có đến 75.5% những người được hỏi cho rằng quyết định
“ngực lép không được lái xe máy” là không phù hợp.
Ngay sau đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã
vào cuộc, kiểm tra quyết định trên. "Việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn
về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý – không thực sự cần thiết,
không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện
giao thông khác nhau" - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng
định trong văn bản gửi Bộ Y tế.
Trao đổi về việc ra quy định của các cơ quan chức năng, TS. Trần Nhạn
(Giảng viên trường đại học Văn Hóa, Hà Nội) nói: "Tôi cho rằng, trước
khi đưa ra một quy định nào cũng cần xem xét tính thực tiễn và hiệu quả
của nó. Nếu không nhìn sâu, nhìn thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống,
những quy định rất dễ phản tác dụng và khiến cuộc sống trở nên phức tạp
hơn".